Hơn 1 tuần gần đây, trời Hà Nội luôn trong tình trạng mù mịt, tầm nhìn hạn chế. Đặc biệt, sáng 7/12 vừa qua, khu vực sân bay Nội Bài xuất hiện sương mù, mây thấp kéo dài nhiều giờ, làm nhiều chuyến bay bị ảnh hưởng.
Tin từ Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho hay, do ảnh hưởng của mây mù, tầm nhìn hạn chế, nên 11 chuyến bay phải bay vòng chờ, sau đó chuyển hướng hạ cánh sân bay dự bị. Bên cạnh đó, nhiều chuyến bay khác không thể cất cánh do không đủ tiêu chuẩn an toàn.
VATM cho hay, thông thường, có 2 loại sương mù chính ảnh hưởng đến sân bay Nội Bài, đó là sương mù bức xạ và sương mù bình lưu. Sương mù bức xạ thường xảy ra vào tháng 11 - 12 hằng năm, thường khi có mặt trời sẽ tan hết, nên không kéo dài. Còn sương mù bình lưu thường xảy ra đầu mùa xuân, từ tháng 1 - 3 hằng năm, khi thời tiết có nhiều hơi ẩm, mưa phùn, nồm, thường kéo dài nhiều giờ trong ngày.
Theo thông lệ, vào thời điểm này trong năm, khi có gió mùa Đông Bắc về, thời tiết phía Bắc và Hà Nội sẽ hanh khô. Thực tế, tối ngày 6 rạng sáng ngày 7/12 vừa qua, thời tiết khu vực sân bay Nội Bài rất tốt, trời quang mây, tầm nhìn xa trên 10 km.
Từ khoảng 5h30 ngày 7/12, sương mù từng đám xuất hiện ở khu vực sân bay, kéo dài tới gần 8h sáng, tầm nhìn giảm còn 150 m, trần mây thấp, không đảm bảo an toàn khai thác, nên phải tạm dừng hoạt động bay.
Đơn vị khí tượng sân bay của VATM cho hay, trường hợp trên hiếm gặp, bất thường nên khó dự báo. Đơn vị đã họp bình giảng rút kinh nghiệm.
Sau ngày 7/12 tới nay, dù trời Hà Nội vẫn trong trạng thái mù mịt, nhưng hoạt tầm quan sát vẫn đảm bảo nên hoạt động bay các ngày qua vẫn diễn ra bình thường.
Một nguồn tin từ cơ quan quản lý hàng không cũng cho rằng ngoài hiện tượng thời tiết cực đoan, hiện tượng mây mù bao phủ trời Hà Nội những ngày qua cũng có thể một phần do không khí ô nhiễm. Với đặc điểm hanh khô của đầu mùa Đông miền Bắc, hiện tượng sương mù là hiếm gặp, nhưng từ 1 tuần nay, bầu trời Hà Nội luôn trong tình trạng mịt mù do trời không có gió, khiến bầu không khí càng cô đặc hơn, bụi mịn tích tụ như sương.