Nhìn hình ảnh xóm trọ nghèo đìu hiu, khuôn mặt ai nấy đều ảm đạm, u buồn khiến nhiều người không khỏi cũng xót xa. Một số công nhân không thể bám trụ lại thành phố đành chuyển về quê. Nhưng có những trường hợp ở quê cũng không có đất, có ruộng nên chỉ còn cách cố ở lại tìm cơ hội mới. Không ít người phải đi bán vé số dạo, làm quét dọn hoặc nhận các việc lặt vặt về nhà làm trang trải cuộc sống.
U50 hông xin được việc làm phải bán vé số, cạo gừng thuê
17 năm gắn bó với công ty, chị T. chỉ mong muốn có thể làm đến tuổi nghỉ hưu để có tiền trang trải lúc tuổi già. Nhưng người phụ nữ U50 không ngờ lần nghỉ thai sản này của mình lại là lần nghỉ hẳn.
“Giờ đi làm cũng không biết làm ở đâu, bán vé số cũng ít người mua nhiều người bán. Mình đi bán cũng năn nỉ người ta này nọ, đi cũng mòn dép nữa mà cũng chỉ được 100 tờ vé số hoặc 50 tờ vé số thôi. Khổ vậy đó, em mới sinh được 10 ngày thôi. Con em cũng gửi rồi là ở nhà trọ này, muốn về quê cũng không được. Về quê cũng phải đi làm cũng có mấy triệu bạc à đâu có sinh sống nổi, nuôi con nuôi cái được. Cứ tưởng có công việc trên đây ổn định rồi ai mà ngờ ra nông nỗi này. Bao nhiêu năm trời gắn bó mà giờ tiêu tan hết." - chị T. chia sẻ với Lao động TV
Cùng là những công nhân bị cắt giảm từ ngày 1/12, có những người đã tìm được công việc thời vụ. Tuy nhiên, nhiều công nhân khác vẫn đang loay hoay tìm việc mới bởi lẽ đi nhiều nơi đều bị từ chối vì đã quá 40 tuổi.
Chị Đ.T.T, một công nhân bị cắt giảm ở Bình Tân, TP.HCM cho hay: “Công ty cũng có hỗ trợ đó nhưng tạm thời có mấy tháng này thôi, mình phải tìm việc mới. Trước mắt thì đi xin việc không có được. Vào công ty hỏi em trên 40 có nhận không người ta bảo không. Đi sáng giờ hết buổi sáng rồi đó. Có xin làm thêm dán tem mà người ta bảo có gì cần người ta sẽ gọi mà không thấy người ta gọi.”
Trong khi đó, chị N.K.P và một số công nhân khác trong xóm trọ phải nhận gừng về cạo thuê với giá 4.000 đồng/1kg để trang trải tạm thời. Chị P. cho biết bản thân cũng đi xin việc ở nhiều nơi nhưng không ai nhận vì đã lớn tuổi. Mỗi ngày 3 - 4 người ngồi suốt cả ngày cạo gừng mới được 40-50kg (khoảng 160.000 - 200.000 đồng). Biết là số tiền này chẳng thấm vào đâu nhưng họ đành chấp nhận làm tạm thời để có tiền trang trải đồng nào hay đồng nấy.
Vợ chồng luân phiên nhau thất nghiệp, nhiều chỗ tuyển dụng nhưng cũng khó theo
Với nhiều công nhân mất việc ở độ tuổi 40-50, để bắt đầu một công việc mới vô cùng khó khăn. Đầu tiên là về tuổi tác đã lớn, ít công ty nhận. Thứ hai nhiều người cũng lo lắng không đủ chuyên môn cũng như phương tiện đi lại để theo nổi công việc mới. Bởi có những chỗ tuyển dụng cách khu trọ đến vài chục km, không có phương tiện di chuyển.
"V.T cũng tuyển nhưng họ đâu ở gần đây, họ lại làm may áo quần, còn mình thì may da giày, máy móc đâu có giống nhau. Trước giờ tôi may là ngồi máy, giờ công ty khác tuyển thì phải đứng cả ngày, mình đã lớn tuổi không biết có đứng máy nổi không. Nên đâu phải cứ có chỗ tuyển là đi làm được", chị Trần Thị Giúp (46 tuổi) chia sẻ với báo Tuổi trẻ Online.
Để có tiền trang trải tạm thời chị và vài người công nhân cùng dãy trọ đến các khu chung cư gần đó xin làm lao công, quét dọn. Tuy nhiên, họ cũng không nhận mà chỉ nói khi nào có việc sẽ gọi.
Còn chị Nguyễn Thị Huyền (32 tuổi, quê ở Tiền Giang) chia sẻ với Tuổi trẻ Online cho hay chị cũng đang loay hoay tìm việc làm vì còn phải nuôi hai đứa con nhỏ. Chồng của chị đi làm phụ hồ cũng vừa mới thất nghiệp tháng trước, đầu tháng này bắt đầu đi làm lại thì đến lượt vợ mất việc. Điều này khiến kinh tế của gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Để có tiền trang trải cuộc sống, chị Huyền đành tìm việc ở những nơi xa hơn. Người phụ nữ đang chờ được gọi đi làm ở một công ty khác cách phòng trọ 4-5km. Vì trước giờ không đi xe máy nên nếu được nhận ở công ty này chị dự định sẽ đi xe buýt đi làm.
Trường hợp chị T.B. (42 tuổi, quê Trà Vinh) cũng gặp khó khăn bởi cả chồng và con trai đều đang làm và học ở gần dãy trọ. Chị không thể một mình chuyển đi xa làm việc được. Chia sẻ với Tuổi trẻ Online, người phụ nữ không khỏi lo lắng:
"Người ta cũng tuyển nhưng chỗ thì xa, chỗ thì không đúng ngành nghề mình làm không biết có làm được không. Chồng đi làm lốp xe ở gần đây, con trai đang gửi học ở đây, đâu có chuyển vào Gò Vấp, Thủ Đức làm được. Tôi làm ở đây 15 năm rồi, đi làm chỉ đi bộ nên đâu có xe. Muốn đi làm xa phải mua xe máy, nhưng không có tiền mua.”
Không chỉ với những người lớn tuổi U40, U50, kể cả những người trẻ cũng phải chật vật tìm việc làm vì đây là thời điểm giáp tết, tìm việc rất khó khăn. Chị Nguyễn Thị Thùy Dung (28 tuổi, quê Đồng Tháp) phải nhận việc làm chong chóng đồ chơi về làm thêm. Tiền công mỗi chiếc chỉ có 1.000 đồng. Chị phải ngồi cặm cụi từ sáng sớm tới tận khuya mới được 180.000 - 200.000 đồng.
Cả hai vợ chồng đều làm công nhân, bố mẹ hai bên đều đã già yêu lại phải nuôi con nhỏ nên kinh tế rất khó khăn. Ngoài các khoản tiền trọ, tiền chợ búa, hàng tháng anh chị còn phải gửi tiền về quê nhờ ông bà ngoại nuôi con giúp đồng thời gửi thêm chút ít phụ ông bà nội tuổi đã cao. Do vậy, mất việc bất thình lình giáp Tết khiến cuộc sống của đôi vợ chồng vô cùng chật vật.
Hiện tại, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đang tích cực tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ người lao động thất nghiệp trong tình trạng này. Bên cạnh giới thiệu việc làm, Tổng liên đoàn Lao động cũng đề xuất Chính phủ cho phép giải ngân 10.000 tỷ đồng để tăng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động. Ngoài ra, liên đoàn cũng sẽ tổ chức các phiên chợ Tết hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Hy vọng, điều này sẽ giúp người lao động sớm ổn định cuộc sống.