Bác sỹ Cao ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc vừa chia sẻ với Đài truyền hình Giang Tô trường hợp một nữ bệnh nhân phải vật lộn với khủng hoảng kéo dài vì cô con gái duy nhất đã 30 tuổi vẫn chưa lấy chồng. Câu chuyện làm dấy lên cuộc tranh cãi trên mạng xã hội về áp lực nặng nề mà giới trẻ phải đối mặt trong việc kết hôn.
Người phụ nữ 58 tuổi họ Triệu được bác sỹ Cao chẩn đoán trầm cảm vì quá lo lắng vấn đề hôn nhân của con gái. Bà Triệu cảm thấy thua kém và nghĩ rằng mọi người xung quanh đang bàn tán về mình chỉ vì con gái đã 30 tuổi vẫn còn độc thân. Người mẹ liên tục mắng mỏ, tranh cãi với cô về việc này. Bà thường khóc khi không thuyết phục được cô con gái hướng nội của mình tìm bạn đời.
Phải sau một thời gian được bác sỹ lập phác đồ điều trị chuyên nghiệp, tình trạng của bà Triệu mới dần được cải thiện.
Câu chuyện của bà Triệu được cư dân mạng chia sẻ nhiều trên các diễn đàn và dành sự quan tâm đặc biệt. Mọi người bàn luận rất nhiều về áp lực kết hôn đến từ cha mẹ mà thanh niên Trung Quốc phải chịu đựng.
“Một dạng trầm cảm điển hình ở Trung Quốc là cha mẹ lo lắng về chuyện con gái họ độc thân, không sinh con thứ hai hoặc thậm chí không có con”; “Tôi cảm thấy áp lực hơn khi nghe câu chuyện này, tại sao cứ phải đến tuổi là kết hôn khi bản thân mình không muốn?". “Bố tôi cũng mắc bệnh tương tự, ông đổ lỗi rằng việc tôi độc thân khiến ông mất ngủ”.... là những bình luận bức xúc trên mạng xã hội.
Tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đạt mức thấp kỷ lục vào năm 2022, chỉ có 6,83 triệu cặp đôi lấy nhau. Đây là năm thứ 9 liên tiếp tỷ lệ kết hôn giảm. Trước đó, lần cuối cùng con số kết hôn ở mức thấp tương tự là năm 1979, với 6,37 triệu cặp đôi.
Trên nền tảng Xiaohongshu (mạng xã hội giống như Instagram của Trung Quốc), một phụ nữ tuyên bố cô thích sống độc thân hơn nếu không tìm được tình yêu đích thực, vì "hôn nhân giống như phủ lớp kem lên chiếc bánh nhưng phần nhân trước tiên cần phải ngon".
Thái độ của cô phản ánh một xu hướng ngày càng rõ rệt ở thế hệ trẻ Trung Quốc: Coi trọng sự độc lập và phát triển cá nhân hơn là lấy vợ lấy chồng. Đối với họ, kết hôn không phải là “bến đỗ cuối cùng” hay “bến đỗ an toàn” như cha mẹ họ thường tin.
Năm 2021, một phụ nữ trẻ được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm vì áp lực kết hôn từ gia đình. Cô gái ở tuổi 30 này bị cha gọi là “hàng mất giá” vì còn độc thân.