Mang thai tháng thứ 4 bị đau bụng lâm râm
Theo các bác sĩ trong tháng thứ 4, phụ nữ mang thai có cảm giác đau bụng dưới và mắc mót rặn là bất thường. Siêu âm đơn thuần không chẩn đoán được tình trạng bệnh lý này. Nếu gặp trường hợp này, sản phụ nên đi khám sản khoa, bác sĩ sẽ chẩn đoán xem có dọa sẩy thai hay không.
Ngoài ra, mang thai tháng thứ 4, một số mẹ bầu có cảm giác đau hông lưng và mỏi 2 chân có thể do thiếu canxi. Mẹ bầu cần khám thai định kỳ để được xét nghiệm đánh giá tình trạng sức khỏe mẹ và con, được tiêm ngừa uốn ván rốn, được tư vấn về dinh dưỡng cho mẹ trong thai kỳ… Siêu âm cần thiết trong quá trình khám thai, khảo sát tình trạng thai nhi cũng như các bất thường bánh nhau dây rốn, nước ối, nhưng siêu âm đơn thuần không thay thế được việc khám thai.
Các chị em mang thai tháng thứ 4 cần sắp xếp thời gian và công việc để khám thai theo lịch hẹn của bác sĩ, nếu có bất kỳ triệu chứng gì khác thường cần khám thai ngay.
Chăm sóc sản phụ mang thai tháng thứ 4
Thay đổi sinh lý của thai phụ
Thông thường, khi thai phụ mang thai đến tháng thứ 4, bụng đã bắt đầu nhô ra rõ rệt, đó là do tử cung đã to gần bằng đầu của một đứa trẻ. Dù là tử cung đã căng ra nhưng khi thai phụ ở trạng thái tĩnh, áp lực trong bụng vẫn hoàn toàn bình thường.
Thai phụ sẽ cảm thấy bầu vú to ra rõ rệt, quầng vú đen thẫm. Nguy cơ sẩy thai đã giảm, nhưng hiện tượng huyết trắng, cảm giác nặng bụng và tiểu nhiều vẫn còn. Vết nám do mang thai cũng bắt đầu rõ hơn, cần tránh để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào mặt. Phản ứng mang thai dần biến mất, khẩu vị cũng khá hơn.
Hiện trạng của phụ nữ mang thai tháng thứ 4
- Tử cung được cung cấp máu nhiều gấp 5 lần trước khi có thai để nuôi dưỡng bé.
- Thận của bạn phải lọc thêm 25% lượng máu. - Nhịp tim tăng, và thể tích tăng thêm 30 – 50% so với trước đây.
- Bạn có thể tăng thêm từ 2,5 – 4,5 kg.
Cách xử trí
Quần áo chật: Đừng cố mặc đồ chật, bạn hãy chuẩn bị sắm đồ đạc rộng hơn ngay từ bây giờ.
Giữ sự linh hoạt: Hãy tập thể dục đều đặn ngay từ bây giờ để duy trì sức khỏe khi người bạn to ra, có thể tham dự một lớp thể dục tiền sản phù hợp. Bạn cũng có thể tự tập bằng cách đi bộ, bơi lội, yoga hoặc đạp xe tại chỗ.
Táo bón: Uống nhiều nước và ăn nhiều trái cây tươi để ngăn ngừa tình trạng này. Ghi nhận triệu chứng: Ghi lại tất cả các triệu chứng để hỏi bác sĩ khi đi khám thai. Nếu bạn không ghi lại thì rất dễ quên. Người chồng cần biết
Người chồng cần phải thường xuyên đi dạo với vợ, hoặc tiến hành những vận động khác. Có chồng ở bên cạnh, thai phụ sẽ càng tích cực hoạt động hơn.
Đặc biệt, chồng phải học cách chăm sóc thai phụ, thai nhi và tiến hành theo dõi sức khoẻ của thai phụ. Ngoài ra, thai phụ cũng nên lưu ý và tuân thủ đúng lịch khám thai cho bà bầu để luôn đảm bảo sức khỏe của thai nhi.
Trong giai đoạn mang thai ở thời kì giữa, thai phụ cần phải tăng cường chế độ dinh dưỡng nhưng không được chỉ ăn thịt cá mà bỏ qua những thức ăn chính. Cần phải chọn gạo và bột mì đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, tăng cường dinh dưỡng nhưng vẫn phải chú ý không được để thể trọng tăng quá nhanh, phải chú trọng chất và cân bằng trong ăn uống chứ không phải là lượng thức ăn.
Không nên đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu, phải thường xuyên đứng dậy vận động. Khi đứng dậy hoặc ngồi xuống, tránh khom lưng, ngồi quá thả lỏng hoặc ngồi trên ghế không có chỗ tựa; tránh ngủ giường quá mềm, như thế mới giảm hoặc tránh được hiện tượng đau lưng.