Trẻ sơ sinh bị ngạt mũi phải thở bằng miệng khiến cho không khí vẫn còn bụi bẩn, khô và lạnh, dễ làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp, gây nên viêm họng, viêm thanh quản, khí phế quản và phổi.
Để biết cách chữa ngạt mũi cho trẻ sơ sinh, mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân khiến bé gặp phải tình trạng này.
Nguyên nhân gây ngạt mũi
Khi các mạch máu và mô trong khoang mũi chứa quá nhiều chất nhầy sẽ khiến trẻ ngạt mũi. Ngạt mũi có thể làm cho trẻ sơ sinh khó ngủ và dẫn đến viêm xoang nếu không được điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, việc ăn uống của trẻ cũng sẽ khó khăn hơn khi bé bị ngạt mũi.
Trẻ sơ sinh bị ngạt mũi có thể vì những bệnh do vi-rút gây ra như cảm cúm, sốt, ho... hoặc là dị ứng.
Đôi khi, trẻ sơ sinh bị ngạt mũi có thể vì thức ăn hay dị vật mắc vào mũi của bé. Nếu gặp phải trường hợp này, bạn nên đưa ngay con đến bác sĩ và đặc biệt không tự mình lấy dị vật ra khỏi mũi của bé.
Dấu hiệu để biết bé bị ngạt mũi
Ngạt mũi ở mức độ nhẹ thường đi kèm với các dấu hiệu khác như hắt hơi, chảy nước mũi, mũi đóng vảy, có đờm… Ở trẻ sơ sinh đang còn bú sữa mẹ, ngạt mũi khiến trẻ khó bú, bú ngắt quãng, dễ bị sặc.
Trong trường hợp ngạt mũi nặng, bé không biết khạc đờm ra sẽ khiến đờm khô cứng phía trong mũi khiến khó thở, phải thở bằng miệng. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các bệnh khác như ho khan, nôn mửa, khô tím môi, viêm họng… Khi chất nhầy gây ngạt mũi chảy xuống họng, trẻ sẽ ngứa rát cổ họng và sinh ra ho đờm.
Cách chữa ngạt mũi cho trẻ sơ sinh
Đối với trẻ sơ sinh, các bậc cha mẹ nên lưu ý ít dùng thuốc cho bé mà nên chữa trị ngạt mũi bằng các cách đơn giản sau:
- Lấy gỉ mũi ra khỏi mũi bé thường xuyên
Đôi khi, các chất nhầy quá nhiều sẽ đông lại và kẹt cứng trong mũi của bé, khiến việc thở trở nên khó khăn hơn. Để loại bỏ gỉ mũi cho con, các mẹ hãy lấy một miếng bông nhỏ vừa bằng lỗ mũi trẻ, làm ẩm bằng nước ấm và nhẹ nhàng lau sạch mũi cho con.
- Sử dụng máy làm ẩm trong phòng
Việc làm tưởng chừng không liên quan này lại rất có hiệu quả trong cách trị ngạt mũi cho trẻ sơ sinh. Một máy làm ẩm đặt trong phòng sẽ giúp không khí ẩm hơn, giúp cho bé giảm ngạt mũi và gỉ mũi cũng tự động mềm ra. Tuy nhiên, các mẹ nên vệ sinh máy làm ẩm thường xuyên để tránh nấm mốc.
- Vỗ nhẹ lên lưng trẻ
Hành động vỗ một cách nhẹ nhàng lưng trẻ khiến cho chất nhầy trong ngực trẻ giảm bớt. Bạn có thể đặt con nằm trên đùi và vỗ hoặc massage nhẹ nhàng lưng bé.
- Sử dụng nước muối sinh lý
Nước muối sinh lý sẽ làm các chất nhầy bị kẹt trong mũi bé mềm hơn. Sau khi nhỏ từ 1 - 2 giọt vào mũi trẻ, bạn hãy dùng dụng cụ hút mũi để làm sạch mũi cho con. Nếu có thể, bạn nên làm việc này trước bữa ăn để loại bỏ các "cục khó chịu" này ra khỏi mũi con, giúp bé ăn dễ dàng hơn.
Theo bác sĩ Vũ Minh cho biết trên báo Sức khỏe và Đời sống, trẻ sơ sinh bị ngạt mũi mẹ cần vệ sinh và làm thông thoáng mũi bằng cách sử dụng dung dịch nhỏ mũi là nước muối sinh lý 0,9% làm loãng dịch mũi để dễ dàng làm sạch mũi: nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào từng lỗ mũi, chờ vài phút, sau đó làm sạch mũi.
Ngoài ra, để giúp trẻ dễ chịu hơn khi bị ngạt mũi, cha mẹ nên bế trẻ ở tư thế thẳng, kê cao gối cho bé khi nằm, ngủ, vệ sinh tai mũi họng thường xuyên cho trẻ.
Cần tránh:
- Không dùng miệng để hút mũi trẻ sẽ lây lan thêm mầm bệnh cho trẻ
- Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nhỏ mũi co mạch, thuốc kháng sinh để trị nghẹt mũi cho trẻ vì có thể gây ngộ độc thuốc có thể dẫn đến tai biến nghiêm trọng nếu không được cấp cứu kịp thời.