Trên trang Facebook cá nhân, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh – hiện đang làm việc tại Khoa dinh dưỡng Đại học Worcester thuộc thành phố Worcester (Vương quốc Anh) đã chia sẻ đến các bậc phụ huynh đang nuôi con nhỏ về kinh nghiệm chọn giày cho bé trong độ tuổi tập đi.
Bác sĩ chia sẻ: Bàn chân con người có 26 xương để nâng đỡ toàn bộ cơ thể trong từng giai đoạn. Trẻ em dưới 2 tuổi xương bàn chân cấu tạo chủ yếu từ sụn. Từ 2 tuổi trở đi, xương mới dần phát triển và cứng cáp cho đến tuổi trưởng thành.
Việc chọn lựa những đôi giày cho bé tập đi trong giai đoạn này cực kỳ quan trọng. Bất kỳ thời điểm nào trẻ đi phải những đôi giày không phù hợp cũng đều ảnh hưởng đến sự phát triển của xương bàn chân, cản trở việc đi lại và giữ thăng bằng.
Các chuyên gia đến từ Đại học Sydney (Úc) cho biết, khi trẻ bắt đầu tập đi, việc chọn và mang 1 đôi giày phù hợp sẽ hỗ trợ việc đi lại và bảo vệ các khớp chân cho bé, góp phần ổn định xương bàn chân. Mặt khác, bé thường xuyên mang giày dép khi ra ngoài sẽ tránh các nguy cơ nhiễm nhiều loại ký sinh.
Để chọn một đôi giày phù hợp, mẹ cần lưu ý những tiêu chí cơ bản theo lời khuyên của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ dưới đây.
Cách chọn giày cho bé tập đi
Kích thước đôi giày phù hợp với bàn chân bé
Trước khi mua giày cho con, mẹ nên đo chiều dài bàn chân và chiều rộng lớn nhất của bàn chân bé.
Kích thước đôi giày cần chọn sẽ là:
- Chiều dài đôi giày = Chiều dài bàn chân bé + 1cm. (Khoảng trống 1cm là không gian để ngón chân bé phát triển)
- Chiều rộng đôi giày = Chiều rộng lớn nhất của bàn chân bé.
Để đo chiều dài và chiều rộng của đôi giày theo công thức, mẹ có thể làm theo một trong ba cách:
- Cách 1: Lấy miếng lót giày ra đo nếu đôi giày có miếng lót rời.
- Cách 2: Lật úp giày xuống, đo kích thước chiều dài và rộng.
- Cách 3: Kéo giày phẳng lên mặt đất và đo nếu giày có dáng cong 2 đầu.
Chất liệu, hình dáng, màu sắc đôi giày
- Mẹ nên chọn đôi giày làm từ những chất liệu nhẹ, ít thấm nước, không có hoặc ít họa tiết trang trí bằng kim loại. Giày thông thoáng và dễ giặt sạch.
- Miếng lót đệm giày nên làm từ chất liệu cao su hoặc bằng da để hỗ trợ cổ chân khi di chuyển.
- Mặt trên giày nên thông thoáng, ưu tiên có lỗ thông khí.
- Gót giày nên chọn loại gót bằng, mũi và gót chân nên cùng nằm trên một mặt phẳng. Gót giày phẳng sẽ hỗ trợ tốt nhất đôi bàn chân bé trên mọi địa hình.
- Đế giày nên có đường vân hoặc kẽ gờ để tăng độ ma sát khi bé đi lại.
- Màu sắc giày: Trẻ dưới 12 tháng tuổi, mẹ nên chọn những đôi giày có màu sắc tươi sáng để thu hút trẻ. Trẻ sau 18 tháng tuổi có xu hướng chọn lựa màu sắc giày thiên về giới tính hơn.
Một số lưu ý khác khi mẹ chọn giày tập đi cho bé
- Khi chọn giày, mẹ ưu tiên chọn giày cho bé đi lại hàng ngày, không nên chọn các loại giày ống cao, giày dây (sandal) phức tạp ảnh hưởng đến quá trình tập đi của bé.
- Không nên chọn những đôi giày quá đắt tiền dễ gây lãng phí vì chân của trẻ phát triển rất nhanh. Không cần chọn giày làm từ chất liệu hữu cơ vì cũng không mang lại nhiều lợi ích cho trẻ.
- Tiếng kêu phát ra từ giày: Nhiều mẹ thường mua những đôi giày phát ra âm thanh để thu hút bé. Tuy nhiên, trẻ từ 15 tháng tuổi trở đi sẽ không còn hứng thú với tiếng kêu này, hình thức giày này cũng không mang lại ích lợi cho sự phát triển của con. Nếu mẹ muốn trẻ học mang giày một cách nghiêm túc, có thể chọn loại giày không phát ra tiếng kêu.
- Có thể chọn giày cũ nhưng cần xem độ mòn của đế giày trước khi mua.
- Mẹ nên chọn những nhãn hiệu giày chuyên sản xuất cho trẻ em. Thông thường, những cơ sở sản xuất này thường lưu trữ cơ sở dữ liệu về khung xương bàn chân trẻ em và các thiết kế phù hợp với bàn chân của bé.
Hậu quả của việc chọn giày sai kích thước cho bé
- Giày quá chật, đặc biệt chiều dài giày quá ngắn: Các ngón chân bé không có đủ khoảng trống phát triển dẫn đến chân phát triển không bình thường, không giữ được thăng bằng khi di chuyển.
- Giày quá rộng: Trẻ không có cảm giác thăng bằng khi đi lại, dẫn đến sợ hãi việc mang giày. Ngoài ra, mang giày rộng có thể làm bé bị trượt và té ngã.
Mẹ hãy lưu ý cách chọn giày tập đi cho bé để con phát triển khỏe mạnh nhé.