Cuộc sống hôn nhân vô cùng phức tạp, nó không còn là vấn đề riêng của hai người yêu nhau mà là của cả hai bên họ hàng, những mối quan hệ, tiền bạc, con cái… Có quá nhiều thứ cùng một lúc đến với nhau, áp lực đè nén sẽ khiến các cô gái không kịp trở tay, gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết các tình huống dẫn đến nhiều sự việc không như ý muốn, dẫn đến buồn tủi. Tình trạng này kéo dài sẽ sinh ra tâm trạng chán nản, mất ngủ, biếng ăn, không còn bất cứ niềm vui nào đối với cuộc sống, thậm chí một số người còn mang ý định tự tử để được giải thoát.
Tuy nhiên, nếu người chồng phát hiện kịp thời và có những biện pháp hỗ trợ vợ mình thì có thể sẽ giúp cô ấy bước qua được giai khó khăn này.
Luôn ở bên động viên cô ấy chia sẻ với bạn
Những người mắc chứng trầm cảm luôn trong tình trạng cô đơn, buồn chán, họ cho rằng chẳng ai quan tâm đến mình nên ngày càng khép kín không muốn chia sẻ cùng ai. Chính vì thế bạn nên chủ động quan tâm hỏi han cô ấy. Điều này giúp cô ấy nhận ra luôn có người quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ họ khiến tâm trạng họ nhẹ nhõm, dễ mở lòng hơn với bạn.
Hãy luôn nói lời động viên với cô ấy hàng ngày, nói với cô ấy rằng “anh luôn ở đây với em bất cứ lúc nào em cần”, “nói với anh em muốn điều gì”… Đồng thời hãy thể hiện sự quan tâm với vợ bằng những cử chỉ âu yếm, nhẹ nhàng, cùng cô ấy làm công việc nhà, nấu ăn, chăm sóc con cái, đi chợ… Bạn nên tận dụng thời gian của mình để ở bên cô ấy nhiều hơn.
Luôn lắng nghe khi cô ấy muốn tâm sự
Người trầm cảm thường có biểu hiện ít nói, không muốn đối thoại với người khác, chỉ muốn ở một mình… Tuy nhiên, trên thực tế thì cô ấy rất muốn được giải bày nếu bạn biết cách khơi gợi và thật tâm muốn lắng nghe cô ấy.
Hãy cho cô ấy biết bạn luôn sẵn sàng lắng nghe bất cứ điều gì cô ấy nói. Cho dù ban đầu sẽ khó khăn một chút. Bạn phải thật kiên nhẫn khơi gợi, không nên ép cô ấy phải nói.
Trong những cuộc trò chuyện với vợ, hãy cố gắng biểu hiện thật chân thành bằng cách chăm chú lắng nghe, gật đầu và phản ứng bằng cách lặp lại một số câu cô ấy vừa nói để cho cô ấy thấy bạn thật sự rất chú ý đến những lời của mình.
Động viên cô ấy làm những việc mà cô ấy đã từng yêu thích
Một trong những cách rất có ích giúp vợ phục hồi chứng trầm cảm rất nhanh đó là động viên cô ấy thực hiện những việc mà họ rất yêu thích trước đây. Khi được hòa mình với niềm đam mê họ sẽ trở lên vui vẻ, cởi mở và năng động hơn, có thể lấy lại được những cảm xúc tích cực trong con người họ.
Về phần bạn hãy luôn dõi theo và khen ngợi những thành tích mà cô ấy đã đạt được. Khích lệ họ bằng những câu như “em rất giỏi”, “anh rất tự hào về em”, “nó thật tuyệt”, “cảm ơn em”… Những điều này vô cùng có ý nghĩa đối với những người mắc chứng trầm cảm.
Lên kế hoặc cho những chuyến đi, hoạt động vui vẻ
Những chuyến du lịch, thay đổi môi trường sống cũng được coi là một trong những cách chữa trị căn bệnh trầm cảm cực kỳ hiệu quả. Hãy lên kế hoạch cho những chuyến đi xa, khám phá những miền đất mới, trải nghiệm cuộc sống mới khiến cô ấy có nhiều ấn tượng mới, tư tưởng thoáng đãng hơn.
Ngoài ra bạn cũng đừng quên mời cô ấy tham gia vào những hoạt động vui vẻ khác như: xem một bộ phim hay, một buổi ca nhạc, một bữa tối vui vẻ, tập khiêu vũ… sẽ giúp cô ấy giảm stress và cảm thấy thoải mái hơn.
Điều trị bệnh trầm cảm không dễ cũng không khó. Trước hết nó cần sự chung tay giúp đỡ của tất cả các thành viên trong gia đình. Đặc biệt là người chồng phải biết cảm thông, chia sẻ, động viên và thật kiên nhẫn đồng hành cùng vợ trong mọi hoạt động thì chắc chắn, bạn sẽ kéo được vợ đi ra khỏi căn bệnh quái ác này, từ đó khởi sắc lại cuộc hôn nhân hạnh phúc.