Lấy chồng 29 tuổi, kỹ sư tin học của một công ty phần mềm ở Hà Nội, hơn vợ 2 tuổi nhưng tính rất trẻ con, Thu rất lấy làm buồn bực. Là con trai út trong nhà, chồng cô đã quen được mẹ và các chị chiều chuộng nên hầu như chẳng động tay làm gì. Buổi sáng, Thu thức dậy đi chợ, dọn dẹp nhà cửa sau đó gọi năm lần bảy lượt Hoàn vẫn vặn vẹo trên giường, nhất quyết không dậy.
Nhiều hôm cãi nhau với Thu, Hoàn còn bỏ về nhà mẹ đẻ, mẹ chồng cô chỉ nghe một phía từ con trai thì lên tiếng bênh vực, nạt nộ Thu. Nhìn thấy chồng mình dù đã lớn tướng nhưng vẫn trẻ con, Thu rất lấy làm phiền lòng. Cô thấy tủi thân vô cùng khi vừa "dỗ" chồng, vừa phải giải thích với mẹ chồng.
Từ hồi vợ có bầu, Hoàn cũng vẫn vậy. Anh hầu như chẳng đỡ vợ việc gì. Chỉ cần có bạn gọi đi chơi, đi nhậu là Hoàn lấy xe đi ngay, có khi để mặc vợ nghén, nằm nhà một mình. Vợ nhờ giặt, phơi quần áo thì Hoàn lắc đầu: "Anh không quen làm mấy việc đó đâu. Hay em bảo mẹ giúp". Những ngày sắp sinh, muốn chồng đèo đi làm thì anh bảo: "Thôi, em đi xe ôm, anh trả tiền, chứ em đi làm sớm thế, anh chịu, không dậy được đâu".
Đó không phải câu chuyện của riêng của bất kỳ cô vợ nào lấy phải chồng trẻ con. Nhưng, tìm được cách giải quyết dứt điểm tình trạng của chồng thì không phải ai cũng biết. Trong hôn nhân, dù bất cứ cặp vợ chồng nào cũng có những vấn đề xung đột xảy ra. Nhưng để giữ được mái ấm lâu dài, thì cần sự cố gắng từ các thành viên trong gia đình.
Thực ra, nhiều anh nam đã trưởng thành nhưng là con một, gắn bó với mẹ hoặc sinh ra trong nhà đông chị em gái, hay từ nhỏ tới lớn luôn được gia đình làm và quyết định thay mọi việc thì thường có tính cách và cách hành xử khá trẻ con. Theo nhà tâm lý, cách cư xử này có thể tạo ra nhiều vấn đề mà chính bản thân họ không lường hết được.
Trong mắt vợ, người chồng trở nên nhu nhược, thiếu quyết đoán và chín chắn. Dần dần, người phụ nữ có thể nghĩ về chồng, nhà chồng không tốt. Đồng thời, họ cũng sẽ ngại chia sẻ tâm tư, hỏi ý kiến chồng do mất niềm tin và tình cảm giữa cả hai vì thế ngày càng xa cách.
"Khi lấy vợ nghĩa là bạn đã xây dựng một gia đình riêng và phải tự chịu trách nhiệm về cuộc sống, mối quan hệ của mình. Vì thế, vợ chồng có bất cứ vấn đề gì nên cùng đứng về một hướng để tìm cách giải quyết thay vì kể tội nhau hay tìm tới sự can thiệp từ bên ngoài". Hiểu được điều này, Thu nói thẳng với chồng rằng vợ chồng cùng nhau ngồi xuống nói chuyện trước, không được mang sang "mách mẹ" hay than vãn với người ngoài.
Hơn nữa, mỗi khi xảy ra mâu thuẫn, Thu không cố gắng tranh cãi mà cần rút lui đúng lúc, lựa chọn thời điểm để nói chuyện khi hai vợ chồng đã vui vẻ trở lại, lúc đó cô góp ý chia sẻ để anh ấy hiểu chuyện. Mọi chuyện mang lại nhiều hiệu quả tốt đẹp, Hoàn tôn trọng cách ứng xử của Thu và mọi chuyện sẽ không còn gay gắt trầm trọng thêm nữa.
Thu phải thật sự kiên trì và có bản lĩnh mới mong "cải tạo" được. Cô thẳng thắn nói với chồng cách cư xử của anh khiến cô cảm thấy thế nào, cô mong muốn ra sao và khích lệ ngay khi chồng có sự tiến bộ. Thậm chí, Thu còn biết cách "lấy lòng" các thành viên gia đình để nhờ tác động, chuyển hóa dần anh xã.
Thu cũng rõ ràng, rành mạch trong việc phân chia công việc nhà, nhờ vả chồng khi cần thiết để Hoàn phụ giúp cô. Thu không chỉ mềm mỏng đúng lúc mà ngược lại, cô cứng rắn vừa đủ.
Một phần, từ khi Hoàn làm bố, anh trưởng thành hơn hẳn. Biết cưng con, chăm con cho vợ, biết lo lắng cho cả hai mẹ con Thu hơn. Anh cũng bớt dành thời gian cho những cuộc vui cùng bạn bè để nhanh chóng trở về chơi với con. Không có gì khiến một người đàn ông trưởng thành nhanh như việc trở thành một ông bố của trẻ con. Để khuyến khích chồng, Thu thường xuyên lắng nghe những góp ý của chồng về việc nuôi dạy con cái, tôn trọng tuyệt đối ý kiến của anh và cùng anh san sẻ trách nhiệm làm cha mẹ.
Việc chung sống với ai đó một cách tốt đẹp không phải là chuyện dễ, nhất là khi cả hai có những tính cách đối ngược nhau, Thu tha thứ và học cách chấp nhận vì con người không ai hoàn thiện. Cô biết Hoàn yêu cô và rất muốn vun đắp cho gia đình nhỏ của mình, nên cô thôi không tạo ra những tranh cãi hay khoét sâu vào những lỗi lầm của cả hai. Chấp nhận và tha thứ khiến bất kỳ cuộc hôn nhân nào cũng trở nên dễ thở hơn.
Hãy nhớ, vợ chính là thước đo sự tốt đẹp của chồng. Một cô vợ khéo léo sẽ khiến mọi anh chồng từ "bất trị" trở nên hoàn hảo, từ "trẻ con" có thể trở thành một ông bố đích thực. Thay vì hằn học hay chiều chuộng những ông chồng đang còn “dậy thì muộn” thì các bà vợ nên dùng những biện pháp cứng rắn, để họ nhận ra được thiếu sót và sửa chữa, cải thiện cuộc sống hôn nhân.