Bạn đã bao giờ nhìn thấy một người có hai mắt màu khác nhau chưa, ví dụ một mắt màu nâu và một mắt màu xanh lam? Đây là tình trạng heterochromia iridis - loạn sắc tố mống mắt - một căn bệnh hiếm gặp ở người nhưng phổ biến ở động vật.
Theo các nhà khoa học, hiện tượng này do gene di truyền từ cha mẹ, hoặc một bệnh liên quan đến mắt xảy ra trong quá trình mắt đang được hình thành. Thông thường tình trạng này an toàn, một số trường hợp là dấu hiệu cho thấy vấn đề về sức khỏe. Có gần 200.000 người Mỹ mắc chứng này.
Ở Việt Nam, hiện tượng mắt mỗi bên một màu được thấy ở một cô bé tên là Thạch Thị Sa Pa, người Chăm, sinh sống ở Ninh Thuận. Bố em có hai mắt màu xanh, còn mẹ em mắt đen bình thường. Anh trai của Sa Pa có hai mắt màu xanh. Đây là một kiểu di truyền về mắt trong hai thế hệ của một cặp vợ chồng. Thị lực của Sa Pa hoàn toàn bình thường.
Các chuyên gia giải thích mống mắt của con người có màu từ một sắc tố gọi là melanin. Melanin làm cho mắt có màu xanh lam, xanh lá cây, nâu hoặc màu lục nhạt. Đôi khi, lượng sắc tố này trong mắt thay đổi, dẫn đến loạn sắc tố. Tình trạng này gây biến đổi màu mắt dưới ba dạng: toàn bộ, từng phần và trung tâm.
Heterochromia toàn bộ nghĩa là một mống mắt có màu khác với mắt còn lại. Ví dụ, bạn có thể có một mắt xanh và một mắt nâu.
Heterochromia từng phần được hiểu là một bên mắt có tới hai màu sắc khác nhau, ví dụ một mắt có con ngươi một nửa màu xanh dương và nửa còn lại thì màu nâu vàng.
Heterochromia trung tâm là loại hiếm gặp nhất. Ở giữa con ngươi có một hoặc hai màu, xung quanh xuất hiện các màu khác nhau. Khi đó mắt có rất nhiều màu sắc đặc biệt.
Hiện nay, nhiều người nổi tiếng có đôi mắt bị rối loạn sắc tố như Kate Bosworth, Jane Seymour, Mila Kunis, Michael Flatley... Điều đó khiến họ khác biệt với những người xung quanh.
Các nhà khoa học cho biết ngoài bẩm sinh, một số nguyên nhân khiến màu mắt thay đổi như: chấn thương ở mắt, bệnh tăng nhãn áp do mắt tích tụ chất lỏng. Căn bệnh này ảnh hưởng đến hơn 3 triệu người Mỹ, gây giảm thị lực nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Một số loại thuốc làm giảm áp lực mắt cũng làm thay đổi màu mắt.