"Tôi nói tiếng Việt và họ trả lời bằng tiếng nước ngoài", nhân viên đội cứu hộ biển Mỹ Khê thanh minh với Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng trong sự bất lực khi nhắc khách ngoại quốc lên bờ.
Trao đổi với Zing, anh Lê Nguyên Đình (người dân TP Đà Nẵng), có mặt tại biển Mỹ Khê sáng 27/9, cho biết một số người nước ngoài bất chấp sự nguy hiểm của cơn bão đang tiến vào thành phố, vẫn ra biển để tắm và chơi lướt sóng. Các nhân viên cứu hộ xuống nhắc nhở họ, tuy nhiên bất đồng ngôn ngữ.
"Ban quản lý biển đã cắm bảng cảnh báo 'cấm tắm biển' có ghi chữ tiếng Anh ở dọc bờ biển Mỹ Khê. Người dân và người nước ngoài biết lệnh cấm, biết bão vào nhưng vẫn cố tình ra biển", anh Nguyên Đình nói.
Với kinh nghiệm chơi lướt sóng lâu năm, anh Nguyên Đình lý giải việc người nước ngoài "cố tình" ra biển sáng cùng ngày. Người chơi thể thao biển chuyên nghiệp thường dựa theo các dự báo về năng lượng sóng, gió, đồng thời tự lượng sức và kinh nghiệm bản thân để tham gia.
"Sóng hôm nay lúc 9h sáng cao 1,6 m và gió 10 km/h (giật lên 17 km/h). Đối với các môn chơi sóng biển, đây là điều kiện thời tiết bình thường, vào dạng nhẹ. Năng lượng sóng đến 10h khoảng 400 KJ (KJ: đơn vị đo năng lượng) là ở mức trung bình. Dưới 1.000 KJ được xem là ngưỡng an toàn cho người chơi nghiệp dư. Do đó, những người chơi này tự nhận thấy an toàn để xuống biển", theo anh Đình.
Anh Nguyên Đình cũng cho biết thêm theo dự báo từ 12h cùng ngày trở đi thời tiết mới bước vào mức nguy hiểm, không nên chơi ngoài biển, nếu chơi phải có cứu hộ chuyên nghiệp về lướt sóng gồm jetski và cứu thương trên bờ sẵn. Người dân ra biển chơi thường chủ quan, không theo các thông số mà theo cảm quan về nắng, gió. Khi thấy trời quang gió lặng thì họ cho rằng đó là an toàn.
"Tuy nhiên, hoạt động của biển trước thềm bão hay thiên tai sẽ bất thường khó dự đoán, có thể hôm đó gió giật bất chợt, hoặc hướng gió thổi ra xa bờ. Và khi rơi vào tình huống bất ngờ thì người dưới biển có thể sẽ hoảng loạn và không thoát kịp", anh Nguyên Đình nói thêm.
Các hội nhóm chơi thể thao sóng ở Đà Nẵng đã ngưng ra biển chơi sau khi có lệnh cấm của TP Đà Nẵng. Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng đã bố trí nhân viên túc trực 24/24 để phát hiện và nhắc nhở không cho người dân tắm biển.
Theo ghi nhận của Zing, thời tiết sáng 27/9 ở TP Đà Nẵng có mưa to, gió nhẹ. Các bãi biển du lịch gồm Mỹ Khê, Mân Thái, Phạm Văn Đồng vắng vẻ từ hôm trước. Chủ kinh doanh các cơ sở dịch vụ đã sớm dọn dẹp lều quán, thu dọn bàn ghế để hạn chế thiệt hại nếu bão vào đất liền.
Chiều 27/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết ảnh hưởng của bão số 4 (Noru), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã quan trắc được gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; trong khi đảo Phú Quý có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Lúc 13h, tâm bão cách đất liền Đà Nẵng - Quảng Ngãi 270 km về phía đông. Sức gió duy trì mạnh nhất cấp 14-15, giật trên cấp 17 trong những giờ qua. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183 km/h), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.
Cơ quan khí tượng nhận định trong 12 giờ tới, bão giữ cường độ trên và đi vào vùng biển từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi. Lúc 1h sáng 28/9, sức gió mạnh nhất vẫn ở cấp 14-15.
Sáng 27/9, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết bão Noru đang duy trì sức gió mạnh cấp 14-15, giật cấp 17.
"Thời gian lưu gió mạnh trên đất liền có thể 10-12 giờ, từ đêm 27/9 đến trưa 28/9. Trong đó, vùng chịu gió mạnh nhất nằm từ tâm đến rìa mây phía bắc của bão, tức là từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi", theo ông Khiêm.
Đáng lưu ý, bão số 4 dự báo gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở các tỉnh miền Trung và bắc Tây nguyên với lượng mưa lên tới 300-400 mm, có nơi trên 500 mm. Khả năng này gây nguy cơ về một đợt lũ, ngập lụt diện rộng tại khu vực đồng bằng, ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định.