Ông Võ Sáu (80 tuổi, thôn Tân An) rơm rớm "Nghe bão là sợ, mỗi lần có bão lại nhớ con, nhớ cháu. Họ tôi năm 2006 bão Chan Chu cướp đi 7mạng người. Thằng con độc đinh của tôi chết khi mới 22 tuổi".
Chạy bão Noru, nỗi đau Chan Chu ùa về
Ông Sáu ngồi thẩn thờ bên hiên nhà, nghe tiếng mưa lộp bộp, ông bảo nhớ con, mỗi lần bão về lại càng nhớ. Ngày 18-9-2006, ông Sáu cũng ngồi trước nhà nghe thông tin bão từ loa phát thanh lưu động như hôm nay, tiếng loa phát liên tục dọc đường làng thông báo bão cực mạnh, bà con cần khẩn trương chằng chống nhà cửa, di dời đến nơi an toàn.
Lúc đó, liên lạc giữa đất liền và biển khơi rất tệ, ông chẳng thể nào biết con mình cùng các trai tráng đi trên tàu biển đã đến nơi an toàn chưa. Ngày 19-5-2006 bão đổ bộ, làng chài tan hoang, cả xóm nhà nào cũng thiệt hại nặng nề, nhưng tin biển khơi mới thật sự đánh gục họ, những chiếc tàu cá bị chìm 22 ngư dân mãi mãi nằm lại biển khơi. "Hay tin, cả làng như chết lặng, ai cũng cầu trời không phải tàu có người thân mình đi. Rồi tin dữ đến, tôi mất con và dòng họ mất tổng cộng 7 người vì bão", ông Sáu thở dài.
Dò dẫm bước vào nhà, thắp nén hương cho con, ông Sáu nhìn di ảnh mà đau xót, nếu anh Minh (con ông Sáu) còn sống năm nay đã gần 40 tuổi và đã lập gia đình, ông cũng đã có cháu. "Cái thằng cao to, khỏe mạnh vậy mà nó đi sớm, để vợ chồng tui ngồi đây, bão gió hàng xóm qua chằng nhà giúp. Nghe bão to mà cứ nhớ nó miết", ông Sáu nói.
Cách nhà ông Sáu chỉ vài bước chân, bà Đinh Thị Nhanh (63 tuổi, thôn Tân An, Nghĩa An) đang "kiểm đến quân số" lũ cháu nhỏ của mình, chuẩn bị di chuyển sang nhà hàng xóm trú bão. Bà đã lúc mất 3 người con đợt bão 16 năm trước. "Dự báo chính xác cực kỳ quan trọng để tránh bão. 4 tiếng trước khi mất liên lạc, tàu vẫn icom về thông báo sắp vào bờ. Ai mà ngờ tàu đã đi vào tâm bão…", bà Nhanh rơm rớm.
Côi cút một mình
Xóm Chan Chu thời khắc trước khi bão Noru đổ bộ, người dân nào cũng lo lắng, họ sợ bão, sợ những điều không may xảy đến.
Bà Cao Thị Lâu (62 tuổi, thôn Tân An) 16 năm rồi sống côi cút, ông Lách chồng bà vĩnh viễn nằm lại biển khơi. ông Lách chồng bà sức khỏe yếu, đáng ra không đi biển, nhưng vì gánh nặng nuôi con, nghe chủ tàu gọi đã vác lưới ra khơi. Rồi ông đi mãi không về.
Sau những ngày đau thương khóc chồng, bà phải gồng gánh, mò cua bắt ốc nuôi 6 người con. Các con bà giờ cũng đã lớn, mỗi lần bão về biết mẹ sẽ nhớ cha nên quanh quẩn động viên mẹ.
Tiếng loa lưu động xé toạc tiếng mưa, những thông tin báo bão Noru dồn dập, người dân cũng chú ý lắng nghe. Nỗi đau trong quá khứ khiến bà con hiểu, phải nắm được thông tin chính xác để giảm thiểu thiệt hại. Bà Lâu nói "Bão to như Noru này phòng bão càng tốt, càng giảm thiệt hại. Quan trọng nhất là bảo vệ người an toàn".
Mỗi lần có bão, nhiều phụ nữ nơi làng biển lại thấp thỏm. Thiên tai, lòng người thêm trăn trở bởi những chuyến biển sẽ khó khăn và nguy hiểm hơn. Và ở Nghĩa An, không chỉ bão Chan Chu mà những đận thiên tai khác trong dặm dài thời gian cũng đã cướp đi của vùng đất này bao nhiêu trai tráng. Bao người phụ nữ không chồng như bà Lâu gắng sống và bước qua số mệnh, dù nỗi đau vẫn thăm thẳm bên đời.
Trao đổi với PV, lãnh đạo UBND xã Nghĩa An cho biết, đặc thù xã có nhiều hộ kinh doanh thủy sản, ngư dân nên mỗi mùa mưa bão, công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân phòng chống bão được đặt lên hàng đầu. Những năm gần đây, thiệt hại địa phương trong các trận mưa bão giảm, nhưng còn rất nhiều trường hợp mất mát người thân, tài sản từ các trận bão trước, như Chanchu... vẫn rất khó để có thể ổn định cuộc sống. Hiện tại công tác phòng chống bão ở Nghĩa An đã cơ bản hoàn thành.
Rời xóm Chan Chu, trời mưa giăng lối, gió bắt đầu nổi lên, sóng biển đánh ầm ầm vào bờ. Trận bão dữ Noru đang đến gần…