Bác sĩ Lê Thân, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Nam, cho biết ớt cay là gia vị làm tăng cảm giác ngon miệng, nhanh tiêu hóa thức ăn, khử mùi tanh. Ớt nhiều vitamin và khoáng chất giúp phòng chữa bệnh, tăng cường sức khỏe, trẻ hóa da, giảm đau, giảm cân, tính chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp ngừa ung thư...
Theo bác sĩ Thân, lượng vitamin C của ớt đứng đầu trong các loại rau tươi. 100 g ớt tươi chứa 143,7 mg vitamin C, gấp 2-3 lần quả cam. Chất này cần thiết cho sự tổng hợp collagen trong cơ thể, duy trì sự toàn vẹn của các tế bào máu, da, nội tạng và xương.
Sử dụng thực phẩm giàu vitamin C giúp tăng sức đề kháng, thanh lọc yếu tố có hại, tăng cường hấp thu sắt, khống chế bệnh tim, xơ cứng động mạch và giảm cholesterol, chống đục thủy tinh thể bằng. Vitamin này thuộc nhóm tan trong nước, cơ thể không có khả năng tạo ra hay tích trữ nên cần cung cấp hàng ngày.
Ớt chứa nhiều khoáng chất như kali, mangan, sắt, đồng... Kali là thành phần quan trọng của tế bào và dịch cơ thể giúp kiểm soát nhịp tim và huyết áp. Mangan được sử dụng như một đồng nhân tố cho enzyme chống oxy hóa. Đồng là chất chống oxy hóa thiết yếu, giúp xương và tế bào thần kinh khỏe mạnh. Trong ớt không có cholesterol.
Ớt cũng được sử dụng nhiều trong y tế. Hỗn hợp hóa học capsaicin trong ớt được sử dụng để làm thuốc mỡ, thuốc bột và thuốc cồn vì đặc tính có chất làm se, chống kích ứng và giảm đau. Các công thức này đã được sử dụng trong liệu pháp chữa viêm khớp, đau thần kinh, đau cơ...
Trong Đông y, khi bị rụng tóc, lấy ớt cắt nhỏ ngâm rượu trắng khoảng 10-20 ngày, bôi vào chỗ tóc rụng vài lần mỗi ngày. Khi đau khớp, vấp ngã, bị thương, dùng ớt bột vừa đủ, mùa đông dùng rượu, mùa hè dùng dấm hòa vào, đắp lên chỗ đau; hoặc giã nhỏ 10 quả ớt đỏ và một củ cải đắp vào chỗ đau.
Người bị hôi nách, dùng ớt cắt nhỏ ngâm vào cồn iốt, ngày 1-2 lần bôi vào nách. Chữa đau lưng, đau nhức các khớp, dùng 15 trái ớt chín, 3 lá đu đủ, 80 g rễ chỉ thiên, giã nhỏ ngâm vào rượu tỷ lệ 1/2, dùng rượu đó xoa vào chỗ đau.
Lưu ý khi ăn ớt
Hoạt tính capsaicin trong ớt mang lại vị cay hăng mạnh mẽ, khi ăn tạo ra sự tấy rát và cảm giác nóng miệng, lưỡi và cổ họng. Ăn sữa chua lạnh có thể giảm cảm giác cay nóng nhờ pha loãng mật độ capsaicin và ngăn nó tiếp xúc với thành dạ dày.
Tránh chạm ngón tay dính ớt vào mắt. Khi lỡ chạm hãy nhúng mắt vào nước lạnh để giảm đau rát.
Bác sĩ Thân khuyến cáo ớt tuy nhiều tác dụng tốt nhưng chỉ nên ăn với lượng vừa đủ để tránh gây hại. Ớt có thể làm nghiêm trọng thêm chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Người bị viêm loét dạ dày tá tràng, trĩ, tăng huyết áp, viêm họng, viêm thực quản, nóng cơ thể... nên ăn ít hoặc không ăn ớt.
Các hợp chất hóa học như aflatoxin trong quả ớt bị hỏng có thể gây ung thư dạ dày, gan và ruột kết.