Đã có không ít những trường hợp khi bố mẹ hay bảo mẫu trông trẻ ở nhà mà xảy ra sơ suất, dẫn đến tai nạn thương tâm.
Đầu tháng 2/2022 đã xảy ra vụ việc tại Vĩnh Phúc, khi chị Hà được một người hàng xóm nhờ sang trông hộ con trai 3 tuổi. Trong lúc đang vui chơi, cháu bé bất ngờ mở cổng chạy ra đường. Đúng lúc đó có chiếc xe tải đang đi đến với tốc độ cao, chị Hà đã cố gắng đuổi theo ôm lấy cháu nhưng không kịp. Hậu quả là cháu bé văng vào gầm xe và tử vong, chị Hà cũng bị cán nát 2 chân.
Những vụ việc như trên là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh chú ý hơn trong việc trông trẻ khi ở nhà. Đặc biệt là những gia đình có nhiều vật dụng lớn, ngoài mặt đường lớn, giao thông đi lại tấp nập hoặc những vùng gần ao, hồ, sông suối hay cầu thang…
Dưới đây là một số lưu ý cho bố mẹ hay các bảo mẫu chăm con tại nhà để đảm bảo an toàn cho bé. Dù được xem là một nơi an toàn, nhà vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thương tích cho trẻ nếu các bậc cha mẹ xem nhẹ môi trường xung quanh và thiếu cảnh giác.
Luôn đóng chặt cửa, cổng
Các loại cửa bao gồm cửa ra vào, cửa sổ hay cổng chính của ngôi nhà phải đảm bảo luôn được đóng hoặc khóa chặt khi có trẻ nhỏ ở nhà. Đây là những vị trí nhạy cảm, ảnh hưởng không nhỏ đến sự an toàn của trẻ.
Đặc biệt là những lối cửa có giao với cầu thang, nếu không được đóng chặt thì hãy trang bị những thanh chắn, ngăn cầu thang lại.
Trẻ nhỏ rất thích trèo hay chạy nhảy, nếu không cẩn thận và để mắt, chúng có thể trèo cầu thang hoặc nghiêm trọng hơn là chạy ra khỏi căn phòng, căn nhà lúc nào mà chúng ta không biết.
Đảm bảo an toàn điện, nước
Nước là môi trường lý tưởng để trẻ vui chơi, vùng vẫy, chính vì vậy khu vực này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Không cần thiết phải là những ao, hồ nước lớn, bồn, bể tắm hay các thùng, chậu nước trong nhà cũng có khả năng khiến trẻ bị đuối nước. Các bình hay siêu, phích nước nóng thì có khả năng gây ra bỏng cho trẻ.
Vì vậy, các bậc phụ huynh hãy lưu ý không để trẻ gần với bất kỳ nguồn nước nào trong nhà.
Với nguồn điện, hãy đảm bảo trang bị các ổ điện an toàn, được che đậy kín để tránh sự tò mò, hiếu kỳ của trẻ. Thêm vào đó, kiểm tra kỹ các dây điện trong nhà sao cho không xảy ra tình trạng đứt gãy, hỏng hóc dẫn đến hở điện, nguy cơ gây ra cháy nổ, giật điện cho trẻ.
Lưu ý các vật dụng từ nhỏ đến lớn trong nhà
Dù là các vật dụng lớn như tủ, kệ hay những vật dụng nhỏ, lặt vặt như các đồ dùng bếp, đồ chơi của bé, phụ huynh vẫn luôn phải để ý và để mắt liên tục khi trẻ tới gần chúng.
Với những vật dụng lớn, trẻ có thể leo trèo hoặc chạy nhảy va phải, không may sẽ xảy ra tai nạn bất ngờ.
Với những vật dụng nhỏ hơn, tất cả dường như đều trở thành “món ăn” khoái khẩu của trẻ, dễ dàng bỏ vào miệng lúc nào không hay. Đã có rất nhiều trường hợp trẻ chi cho một thứ rất nhỏ như mảnh nhựa, miếng lego nhỏ vào miệng thôi nhưng cũng gây ra hậu quả khôn lường.
Bên cạnh đó, những vật dụng nguy hiểm, sắc nhọn, hay hóa chất, có khả năng gây tổn thương tới trẻ như dao, kéo, nước tẩy rửa… cũng cần được bố mẹ cất riêng và không cho trẻ có cơ hội tới gần.
Một số lưu ý khác
- Những vật dụng để trẻ tiếp xúc như đồ chơi, chăn, gối, thú bông nên được làm bằng những nguyên liệu an toàn, phù hợp và thân thiện với trẻ.
- Luôn giữ gìn vệ sinh cho trẻ cũng như cho môi trường xung quanh nhà được sạch sẽ, thoáng mát.
- Lắp đặt một số hệ thống an toàn cơ bản bên trong nhà: hệ thống báo cháy, báo khói, bình cứu hỏa…
- Bố mẹ nên đọc và tìm hiểu các phương pháp sơ cứu cơ bản để trong trường hợp không may có thể ứng phó ngay lập tức.