Mới đây, BVĐK tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhận cùng lúc 5 em bé ở thôn Cây Táu, xã Đồng Quý, huyện Sơn Dương, bị ngộ độc hạt thầu dầu. Trước đó, các em nhìn thấy chùm trái thầu dầu chín đỏ tưởng trái ăn được đã hái chia nhau ăn. Ngay sau khi ăn các bé có dấu hiệu chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, đau bụng… Gia đình đã nhanh chóng đưa vào viện cấp cứu.
Trao đổi về loại hạt này, Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Việt Nam) cho biết, thầu dầu là loại cây này được trồng ở nơi công cộng, vệ đường, hàng rào rất phổ biến ở vùng nông thôn. Cây còn có tên gọi là “đu đủ tía”, dầu me.
Cả cây thầu dầu đều có chất độc nhưng bộ phận chứa chất độc nhiều nhất là hạt. Hạt thầu dầu có tên khoa học là Ricinus Communis, hình trứng, hơi dẹt, ở đầu có mồng. Mặt hạt nhẵn bóng mầu nâu xám, có vân đỏ nâu hoặc đen.
Trong hạt thầu dầu có độc tố Ricin cực độc. Độc chất ricin gây ức chế tổng hợp protein của ruột, tổn thương niêm mạc ruột… Chỉ cần một hạt cũng có thể gây nôn mửa. Trẻ nhỏ chỉ cần nhai 2 - 3 hạt thầu dầu đã có thể ngộ độc, thậm chí có thể tử vong. Người lớn uống khoảng chục hạt có thể bị ngộ độc mà chết. Mức độ ngộ độc nghiêm trọng hay sẽ không giống nhau ở mỗi trường hợp vì còn phụ thuộc vào độ nhạy cảm của từng cá nhân đối với ricin, hơn nữa tùy thuộc vào hạt được nhai hay không.
Những người bị ngộ độc hạt thầu dầu triệu chứng đầu tiên thường xảy ra trong vòng dưới 6 giờ đến 12 giờ. Biểu hiện ban đầu với các triệu chứng buồn nôn, nôn mửa và đau bụng. Nặng hơn có rối loạn tri giác, tụt huyết áp, trụy tim mạch, tử vong…
Trong y học cổ truyền, cây Thầu dầu được sử dụng làm thuốc khá hiệu quả. Do độc tính như vậy nên người ta không sử dụng hạt thầu dầu làm thuốc uống trong, mà đa phần sử dụng làm thuốc đắp ngoài. Khi dùng không đắp trực tiếp vào da vài giờ vì có thể gây bỏng.
Hạt thầu dầu có tác dụng chữa một số bệnh sau khi đã được bào chế cẩn thận trước khi dùng. Hạt thầu dầu được ép thành dầu, chất ricin nằm lại trong khô dầu nên khô dầu rất độc nhưng dầu thầu dầu thì không. Chúng có tác dụng nhuận trường, thông tiện, trong các chứng táo bón của trẻ em và phụ nữ có thai, bệnh nhân sau phẩu thuật và sản phụ sau khi mổ đẻ. Trước khi sử dụng cần tham khảo hoặc được bác sĩ hướng dẫn sử dụng. Để đảm bảo an toàn, tốt nhất người dân không nên tùy tiện dùng để chữa bệnh vì rất nguy hiểm đến tính mạng.
Các nhà khoa học cho rằng, hiện nay chưa có thuốc điều trị giải độc các trường hợp bị nhiễm chất độc ricin. Do chưa có thuốc điều trị giải độc nên điều quan trọng nhất là chủ động phòng ngừa sự nhiễm độc chất ricin ngay từ đầu.
Nếu không may bị nhiễm độc chất ricin, vấn đề cần lưu ý sau khi bị nhiễm là phải tìm mọi cách tẩy rửa chất ricin hoặc dùng phương pháp đẩy chất ricin ra khỏi cơ thể người bị nhiễm cành nhanh càng tốt bằng biện pháp gây nôn. Sau khi tiến hành sơ cứu tạm thời, hãy đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Khi bị nhiễm độc chất ricin, việc điều trị được thực hiện bằng các biện pháp chăm sóc y tế hỗ trợ tích cực cho nạn nhân nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tác động của sự nhiễm độc.