Gừng còn có tên khác là sinh khương, can khương, bào khương... Tên khoa học Zingiber officinale Rose, họ Gừng (Zingiberaceae). Được trồng phổ biến ở mọi miền nước ta để làm gia vị và làm thuốc.
Bộ phận dùng làm thuốc là thân rễ. Thành phần hóa học trong gừng chứa 2 - 3% tinh dầu với thành phần chủ yếu là các hợp chất hydrocarbon sesquiterpenic: b-zingiberen (35%), b-curcumenen (17%), b-farnesen (10%) và một lượng nhỏ các hợp chất alcol monoterpenic như: geraniol, linalol, borneol. Nhựa dầu chứa 20 - 25% tinh dầu và 20 - 30% các chất cay. Thành phần chủ yếu của nhóm chất cay là zingeron, shogaol và zingerol, trong đó gingerol chiếm tỉ lệ cao nhất. Ngoài ra, trong tinh dầu gừng còn chứa a-camphen, b-phelandren, eucalyptol và các gingerol.
Gừng là thực phẩm vô cùng quen thuộc trong mỗi gian bếp của người Việt. Trong thành phần của gừng có chứa những hợp chất quan trọng giúp cơ thể khỏe mạnh, chống lại những vi khuẩn gây bệnh từ bên ngoài môi trường.
Gừng cải thiện sức khỏe răng miệng
Gingerols, một hợp chất tích cực có trong gừng, được biết đến với công dụng bảo vệ miệng và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn xấu trong miệng.
Sự phát triển và lây lan của vi khuẩn này trong miệng có thể gây ra sự phát triển của bệnh nha chu, một bệnh nướu răng nghiêm trọng. Gừng không chỉ diệt trừ vi khuẩn mà còn làm trắng sáng răng của bạn.
Gừng làm giảm đau bụng do kinh nguyệt
Khi bị đau bụng do kinh nguyệt, bạn nên uống một cốc trà gừng nóng, sẽ làm giảm cơn đau. Gừng đã được thử nghiệm với một nhóm phụ nữ bị đau bụng kinh và kết quả cho thấy loại củ này có hiệu quả rất tốt trong việc giảm đau.
Gừng giúp chống viêm
Gừng còn có tác dụng chống viêm. Thực tế, nhiều loại thuốc chống viêm thường gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Trong khi đó, ăn gừng lại có tác dụng chống viêm, ngăn ngừa loét hiệu quả.
Vì gừng chống viêm rất tốt, nên rất nhiều loại thuốc viêm khớp có chứa thân rễ gừng khô. Một nghiên cứu cho thấy phần lớn người tham gia dùng gừng để trị viêm khớp đã giảm đau và sưng rõ rệt.
Gừng giúp hỗ trợ giảm lượng đường trong máu
Một nghiên cứu năm 2008 từ Iran kết luận rằng việc bổ sung 3g gừng mỗi ngày, trong 45 ngày, đã cải thiện hồ sơ lipid của 45 người có cholesterol cao.
Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2014, người ta đã chứng minh rằng những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 dùng 1600 mg bột gừng mỗi ngày trong 12 tuần đã báo cáo giảm tổng lượng cholesterol và chất béo trung tính đồng thời cải thiện độ nhạy insulin của họ.
Điều này có nghĩa là gừng không chỉ giúp hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 mà còn giúp hỗ trợ kiểm soát bệnh tốt hơn.