Bạn sẽ thường xuyên gặp được các mẫu quảng cáo hấp dẫn về lăn kim như: “Lăn kim là phương pháp làm đẹp da bằng cách tạo tổn thương giả từ con lăn vi kim. Đây là con lăn chuyên dụng có chứa 150 đến 500 đầu kim siêu nhỏ (với dụng cụ bằng tay) hoặc hai đến tám đầu kim (cho dụng cụ bằng máy), tạo các vi vết thương và đường chuyền để dẫn các sản phẩm có khả năng tái tạo, phục hồi và trẻ hóa lên da”.
Thực chất, lăn kim là một dụng cụ thẩm mỹ chứ không phải thần dược hay có tác dụng thần thánh như nhiều thẩm mỹ viện thổi phồng lên. Các mũi kim rất bén và nhỏ, có nhiều kích cỡ được sử dụng tùy theo tình trạng da (có thể từ 0.3-3mm), được làm bằng thép không rỉ, thông thường chỉ dùng trong y tế. Khi lăn trên mặt, các mũi kim sẽ đâm vào da tạo ra các tổn thương giả. Cơ thể sẽ vận dụng các tổn thương giả này để kích thích tối đa quá trình tự làm lành vết thương của da. Chu trình này kéo dài trong khoảng tám tuần, do đó phương pháp này còn được gọi là tăng sinh collagen.
Tuy nhiên không phải ai cũng có thể lăn kim, tùy theo tình trạng da và sức khỏe mà các chuyên gia, bác sĩ sẽ tư vấn chọn lựa phương pháp cũng như độ dài kim phù hợp. Đã có nhiều trường hợp làm đẹp da bằng phương pháp này nhưng để lại những di chứng đáng tiếc. Một số đối tượng không được lăn kim như những người mắc bệnh tiểu đường, các bệnh về da liễu, bệnh truyền nhiễm, phụ nữ đang mang thai, sẹo lồi...
Hiện nay nhằm tiết kiệm chi phí nên các chị em có xu hướng mua kim về tự lăn ở nhà. Điều này lại càng nguy hiểm hơn. Với những quảng cáo hấp dẫn, các sản phẩm lăn kim không rõ nguồn gốc đang được bày bán công khai trên thị trường với đầy đủ các mức giá từ 100, 300 đến 700, 800 ngàn đồng được gắn quảng cáo sản xuất với công nghệ Thụy Sĩ, Singapore, Hàn Quốc... Chất lượng không thua kém hàng thật với giá rất hấp dẫn.
Trên thực tế, một cây lăn kim sử dụng được từ 2-3 lần là phải thay mới để bảo đảm vệ sinh, quan trọng nhất vẫn là chất lượng kim không được quá bén, không được quá cùn, độ dài phải đồng đều, chất liệu là thép không gỉ để tránh da bị tổn thương quá nặng hoặc nhiễm trùng... Đây là yêu cầu về mặt kỹ thuật, tuy nhiên nhìn bằng mắt thường thì khó mà phát hiện ra được. Chính vì vậy, việc tự lăn kim tại nhà không cần ý kiến bác sĩ chuyên môn là điều nguy hiểm. Các chị em cần cẩn trọng để giữ nhan sắc của mình, nếu không muốn “tiền mất tật mang”.
Trường hợp đi spa, thẩm mỹ viện cũng không hẳn là tốt hơn. Như trường hợp chị H. ở Hồ Chí Minh, vốn dĩ khuôn mặt thi thoảng chỉ lốm đốm mụn giờ lại mọc lên chi chít mụn lớn, mụn bé chỉ sau khi lăn kim ở một cơ sở thẩm mỹ nhỏ cạnh nhà. Theo lời chị chia sẻ thì đó là nơi chị thường đến đắp mặt làm đẹp, chủ cửa hàng đã quảng cáo “kim lăn kích thích lên vùng da điều trị làm tăng sinh tế bào mới, sợi collagen và elastin, từ đó phục hồi làn da tươi trẻ và săn chắc” nên chị đồng ý thực hiện. Mới đây, đi khám da liễu, chị được bác sĩ chẩn đoán mụn nổi do viêm da mà nên.
Lăn kim thường được chỉ định trong điều trị sẹo lõm, lỗ chân lông to và cũng có thể dùng trong làm đẹp da. Tuy nhiên, kỹ thuật này không phải ai cũng có thể thực hiện được và không phải ai cũng thích hợp để dùng phương pháp lăn kim này trong điều trị. Nếu không đúng chỉ định thì lợi bất cập hại. Bạn nên tìm đến sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện liệu pháp này, cũng như lựa chọn nơi có uy tín để đảm bảo chất lượng. Cẩn thận vẫn luôn tốt hơn nhé bạn.