Trước khi vào phòng mổ ghép gan, ông Dương Văn Lâm quyết tâm bỏ hút thuốc, bỏ uống rượu để dành cho cháu nội phần lá gan tốt nhất của mình.
Ông Lâm xúc động: "Làm ông nội, thấy cháu mình thoi thóp vậy, sao đành lòng làm ngơ? Dù rất sợ bệnh viện nhưng tôi phải cố gắng".
Sau khi bỏ thuốc lá để ghép gan cho cháu, ông Lâm cũng thành công trong việc này, - chuyện trước đó ông cố gắng nhiều lần nhưng không làm được.
Lá gan của ông Lâm là lựa chọn thứ 2 sau kết quả xét nghiệm gan của ba bé M. bị nhiễm mỡ, không phù hợp chỉ định cho gan.
Sau 15 giờ phẫu thuật, ca ghép gan thứ 13 tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM diễn ra thành công vào ngày 18/6/2019. Một phần lá gan của ông Dương Văn Lâm được bóc tách thành công để ghép vào gan cho bé D.C.M. (16 tháng tuổi - cháu nội ông Lâm, đang sống tại quận 3, TP.HCM).
Giáo sư Trần Đông A - cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho biết tuy không phải là ca ghép gan nhỏ tuổi nhất TP.HCM nhưng lại rất phức tạp vì đây là ca sinh non đầu tiên và mới 16 tháng tuổi. Ca ghép gan nhỏ tuổi nhất mà Bệnh viện Nhi đồng 2 từng thực hiện là một bé 8 tháng tuổi nhưng không phải sinh non như ca này.
Giáo sư Trần Đông A nhận định ghép gan cho trẻ dưới 2 tuổi từ người cho sống là kỹ thuật khó nhất trong ghép gan.
Bé D.C.M. chào đời lúc 6 tháng 2 tuần do mẹ vỡ ối sớm. Bé bị bệnh võng mạc ở trẻ sinh non ROP và vàng da ứ mật do teo đường mật bẩm sinh.
Sau 1 năm được chăm sóc tại Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM, bé M. xuất hiện các dấu hiệu bất thường như suy hô hấp, vàng da. Khi được chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi đã suy gan giai đoạn cuối và viêm phổi nặng. Dù được điều trị bằng kháng sinh mạnh, tình trạng bé M. vẫn không cải thiện.
Dù lá gan đang nhiễm trùng nặng nhưng các bác sĩ quyết định phải ghép gan bán khẩn (ghép gan khi chưa kiểm soát được nhiễm trùng gan). Để tiến hành ghép, các bác sĩ phải dùng đến 4 loại kháng sinh; nhưng nếu để lâu, bé đối diện với nguy cơ cao tử vong.
Khi thực hiện cắt một phần lá gan của bé M., các phẫu thuật viên phát hiện rất nhiều mủ trong gan, càng cho thấy phán đoán của các bác sĩ chính xác.
2 tháng sau ghép, cả bé M. và ông nội đều phục hồi tốt.
Hơn 10 năm qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện thành công 17 ca ghép thận, 13 ca ghép gan. Tuy nhiên con số này vẫn quá khiêm tốn so với nhu cầu của bệnh nhi suy gan, suy thận.
Chi phí ghép gan từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng là một trong những nguyên nhân khiến con số ghép gan cho bệnh nhi vẫn còn ít ỏi.
Từ lý do đó, ngày 19/8, sau khi công bố thành công ca ghép gan lần thứ 13, Bệnh viện Nhi đồng 2 công bố thành lập Quỹ Hỗ trợ ghép tạng cho bệnh nhân nghèo.