Nào là tiền quà mừng Tết cho ba mẹ, ông bà, người thân bên nội bên ngoại, nào là tiền quà cáp biếu Sếp, đối tác làm ăn, rồi chi phí chuẩn bị tân trang cho căn nhà ngày Tết như sắm sửa đồ nội thất mới, sơn sửa lại nhà cửa, tiền trang trí nhà cửa, hoa quả...và đặc biệt đau đầu đổi tiền mới để lì xì cho đàn em thơ, cháu nhỏ dại là không thể thiếu vì bọn trẻ háo hức chờ đến ngày này suốt một năm trời, không thể lấy mất niềm hi vọng của chúng được. Đó chỉ mới là chi phí cơ bản thôi, đối với các bạn có điều kiện kinh tế chưa tốt hoặc đi làm hay đi học xa quê thì còn có thêm một khoản “tự nguyện”nữa là gửi tiền về cho ba mẹ ăn Tết, tiền vé tàu xe mấy triệu cả đi và về, chưa kể còn chi tiêu cho bản thân sắm sửa quần áo ngày Tết nữa.
Bên cạnh các khoản chi tiêu bất di bất dịch trên, thì một vấn đề “bền vững” theo năm tháng mà ai cũng gặp phải vào thời khắc ấy là không có tiền tiêu Tết. Phải làm gì khi Tết không có tiền là nỗi đau nhức nhối chạm vào tim các bạn trẻ, trong đó có tôi. Và tôi biết các bạn ngày nay rất năng động và nhanh nhẹn, các bạn tận dụng nguồn internet để kiếm tiền trước Tết một đến hai tháng vì không sợ rủi ro tiền mặt bằng đắt đỏ, ôm hàng, bằng chứng là lướt bất cứ đâu trên facebook cũng thấy bán quần áo, đặc sản Tết, quà Tết, hoa trang trí và cả dịch vụ làm đẹp, dọn nhà ngày Tết nữa.
Thật sự khi không có tiền tiêu Tết, chúng ta có thể liệu cơm gắp mắm để đón một cái Tết nhẹ nhàng hơn. Có thể tiết kiệm chi phí không sắm quần áo Tết vì thật ra thì ngày thường chúng ta quần áo cũng mua nhiều rồi và Tết nay không như Tết xưa, tôi nhớ rất rõ ngày bé tôi nhảy cẫng lên vui mừng khôn xiết khi được sắm một bộ váy mới, một đôi dép mới và nâng niu chúng biết bao, mùi nhựa của dép mới đến tận bây giờ vẫn còn đọng lại trong tôi. Ngày xưa khổ hơn bây giờ nên ngày Tết là lúc gia đình tổng kết thành quả và nghỉ ngơi sau một năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc. Điều gì ngày thường không có được thì chỉ 3 ngày Tết nó trở nên giá trị.
Nếu đối với ngày xưa, chúng ta ăn Tết đúng nghĩa đen của nó thì bây giờ có điều kiện kinh tế tốt hơn, có lẽ việc ăn Tết đã diễn ra hằng ngày rồi, vậy thì hãy trải nghiệm Tết cho thật ý nghĩa. Tôi hi vọng chúng ta cùng trải nghiệm Tết đúng chất của nó là “cùng nhau” và chia sẻ, không phải vì các bạn có điều kiện, thực tế năm nào cũng thế, ngày Tết có biết bao nhiêu mảnh đời cơ cực không thể về quê quây quần cùng gia đình vì điều kiện không cho phép như các công nhân nghèo, những người làm “thợ đụng” tay chân cả năm không đủ ăn không đủ mặc, những sinh viên nghèo, kể cả những người đã đi làm, có gia đình nhưng năm nay làm ăn không tốt, công ty sa thải bớt, cắt lương, không thưởng Tết…. Họ buồn tủi lắm chứ, vì ngày Tết ba mẹ ở quê ngóng trông con về, bên cạnh đó cả nước Việt Nam ai cũng mong mỏi được chia sẻ nên đã có những “chuyến xe ngày Tết” miễn phí cho những hoàn cảnh khó khăn không có tiền gửi về quê, không có tiền về quê ăn Tết.
Gần đây cư dân mạng xôn xao và trào nước mắt về câu chuyện cảm động của người cha 13 năm xa xứ. Hình ảnh của chú tràn lan trên các trang báo, mạng được chia sẻ liên tục và sự thật đằng sau người đàn ông mặc áo dài đỏ, nhảy múa trên hè phố Sài Gòn. Nói đến đây, chắc các bạn biết tôi đang nhắc đến ai rồi chứ, không ai khác là chú Chánh.
Tôi nhớ như in câu nói của chú khi được phỏng vấn:
"Lúc chú bận cái áo dài này vào, nhảy múa ngoài đường, người ta nói chú là thằng khùng thằng điên"
"Người ta nói gì thì nói, chú vẫn cứ làm. Mình kiếm đồng tiền cho con cái được đi học thì không có gì phải xấu hổ".
Có một cái gì đó chợt nhói trong tim khi bồi hồi nhớ lại cuộc trò chuyện của hai cha con:
Mấy đứa nhỏ nhớ ba gọi điện vào tâm sự:"Ba ơi về quê ăn Tết với tụi con!".
Đầu dây bên này chú Chánh buồn rầu đáp:"Nhưng ba chưa có tiền, rồi tụi con ăn gì".
Mấy đứa nhỏ nói:"Tụi con ăn gì cũng được, ăn nước mắm cũng được, tụi con không cần quần áo mới nữa, miễn là ba về nhà..."
Dù không ở cạnh nhau nhưng gia đình chú Chánh đã trải nghiệm Tết cùng nhau đúng với truyền thống Tết của người Việt Nam. Có thể mọi người sẽ nghĩ rằng Tết là phải trang trí nhà cửa, phải gửi tiền về, phải sum vầy cũng nhau trong một mái nhà thì mới gọi là Tết. Nếu sum họp cùng nhau mà mỗi người một góc, con cái ôm điện thoại, ipad, mẹ thì hì hục nấu mâm cơm rước ông bà một mình, rồi chúc nhau những câu sáo rỗng và lì xì cho xong thủ tục thì có thật sự ý nghĩa? Bạn còn mong Tết nữa không? Bạn có cảm nhận được sợi đây gắn kết mang hương vị ngày Tết không?
Không khí Tết ngày xưa đã biến dạng mất rồi!
Thật ra, Tết là thời điểm gia đình thể hiện tình cảm cùng nhau, lo lắng và sống vì nhau nhiều nhất. Chúng ta đã nghe rất nhiều về Tết sum vầy, nhưng sum vầy trong thời đại ngày nay với cuộc sống áp lực và nhiều hoàn cảnh thì nó có thể linh động dưới nhiều dạng khác nhau. Có thể trong những ngày thường, chúng ta sẽ không nhìn thấy rõ tình cảm và người Việt ta cũng không quen thể hiện tình cảm ra ngoài. Thế nhưng, có cái Tết nào mà cha con chú Chánh trải nghiệm được tình cảm tình thâm sâu đậm như thế không, tình cảm đó thiêng liêng đúng tinh thần Tết mà truyền thống đã để lại cho chúng ta vào dịp duy nhất của 1 năm như thế này đây.