Có một bài hát mỗi khi vang lên là lòng những đứa con xa xứ lại buồn da diết, xuân này con không về chắc mẹ buồn lắm:
“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
Khi thấy mai đào nở vàng bên nương”
Và thế là một mùa xuân nữa lại đến, không khí Tết trong tiềm thức lại ùa về, lòng người cũng bất chợt bâng khuâng, háo hức. Trong mùi Tết se lạnh, những chiếc xe rong đuổi trên phố chở những cành hoa đào hoa mai, mấy ai lại không nao lòng. Người ta làm lụng, dành dụm cả năm cũng để mong sao được hưởng cái Tết thật trọn vẹn. Trong giây phút mà lòng người chỉ biết hướng về quê hương ấy, vẫn man mác đâu đây một nỗi buồn mang tên “xuân này con không về thăm mẹ”
Tết xa nhà là cái cảm giác lạc lõng cô đơn giữa dòng người qua lại, là sự thèm khát cái mùi Tết. “ Mùi Tết chỉ đơn giản là cảm giác cùng nhau sắm sửa quần áo, quà biếu cho ông bà, cha mẹ để thể hiện tấm lòng trân quý, là những nhành mai, đào, là những chậu hoa cúc, vạn thọ vàng rực cả một góc trời, là sự hối hả của dòng người trong chợ Tết, là không khí bận rộn í ới lau cái cửa, sơn lại cái cổng, là cảnh chộn rộn của việc mua thịt, trứng về kho với nước dừa; háo hức sắm mâm ngũ quả cầu đủ xài (mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, là cảnh quây quần gói bánh nấu bánh trong đêm rồi râm ran kể chuyện…Thế nhưng nó có vẻ quá xa xỉ đối với những người con xa Tổ Quốc nặng lòng với cố hương, lặn lội đường xa trở về.
Nếu như Tết này đối với các người con xa quê hương đau một, thì với các người con theo chồng đau đến mười. Bởi không còn là khoảng cách địa lý cách trở nữa, mà là khoảng cách của tục lệ, của sự cắn rứt, tủi hờn. Việc được trở về nhà để đón giao thừa cùng bố mẹ là điều khiến họ đau đáu day dứt trong lòng mãi không nguôi. Có lẽ với chúng ta, Tết này không có ba mẹ thì còn có gia đình chồng, còn có con cái , nhưng đối với người già thì “ Tết này mẹ chỉ cần có con” là điều mà bên ngoại mong mỏi con gái gả đi được trở về đón Tết cùng gia đình như ngày thơ dại, dù chỉ một lần. Thế nhưng không thể mở lời bởi truyền thống xưa nay đã như thế.
Thấu hiểu được nỗi lòng của các nàng dâu mà 2 năm gần đây, vấn đề muôn thuở của phụ nữ ngày Tết về đón tết nhà nội hay tết nhà ngoại được nhắc khéo léo qua các video quảng cáo Tết cảm động nhằm truyền tải thông điệp thay đổi thông lệ hằng năm cho chị em phụ nữ được đón giao thừa ở nhà ngoại nhiều hơn. Những video đó đã lấy đi nước mắt hàng ngàn người, ít nhiều cũng đã chạm đến trái tim những người làm cha mẹ bên chồng.