Xăm môi 2 triệu sau 2 tuần sưng phù miệng kinh hoàng, chảy mủ nặng nề
Nhu cầu làm đẹp là điều tất yếu mà phụ nữ nào cũng muốn, nhưng trước khi làm đẹp nên tìm hiểu trước để tránh tình trạng tiền mất tật mang như trường hợp cô gái dưới đây.
Sau 2 tuần xăm môi với giá 2 triệu đồng để làm đẹp đón Tết, cô gái T.T.T. (27 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) phải đến bệnh viện cầu cứu bác sĩ trong tình trạng môi sưng phù biến dạng, chảy mủ và đau nhức khủng khiếp.
Bệnh nhân vừa đến khám tại Bệnh viện (BV) Da Liễu TP.HCM trong tình trạng môi trên sưng to, chảy mủ, môi dưới đóng mài, bong tróc gây đau nhức kèm sốt. Trước tình trạng tai biến nặng này, các bác sĩ đã chỉ định bệnh nhân nhập viện điều trị.
Khai với bác sĩ, T. cho biết trước đó 2 tuần có đến một thẩm mỹ viện tại huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) và được tư vấn xăm môi với giá 2 triệu đồng. Sau xăm một tuần, môi dưới của T. bỗng nhiên nổi mụn, hôm sau môi trên cũng xuất hiện nhiều nốt mụn mủ sưng to, gây đau nhức kèm sốt.
Cô gái liên hệ lại thẩm mỹ viện thì được hướng dẫn đến một phòng khám đa khoa gần đó để khám. Tại đây, chị T được chẩn đoán nhiễm trùng sau xăm và được kê thuốc kháng sinh nhưng tình trạng không đỡ mà môi càng sưng to hơn kèm chảy mủ. Quá hoảng sợ, chị lên BV ở TP.HCM cầu cứu.
Xăm môi nhiều rủi ro, tai biến
Ngày nay nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ ngày càng cao, xăm môi là phương pháp giúp cải thiện tình trạng thâm môi, môi nhợt nhạt, giúp môi trở nên hồng hào, gợi cảm hơn, rút ngắn thời gian trang điểm, thế nhưng đây là phương pháp chứa nhiều rủi ro, tai biến có thể xảy ra.
So với việc xăm ở các vùng khác trên cơ thể (xăm mày, xăm mí mắt…) tỷ lệ biến chứng xăm môi được xảy ra nhiều hơn. Đặc biệt, không chỉ tỷ lệ biến chứng cao hơn, nhiều trường hợp xăm môi gặp phải các biến chứng nặng khó điều trị như: tình trạng nhiễm trùng tại chỗ xăm, gây sưng, tấy đỏ, chảy máu, nổi mụn, tụ mủ, viêm làm tăng sắc tố khiến môi bị thâm đen nhiều hơn hoặc xăm hỏng gây lệch, sẹo xấu vĩnh viễn trên viền môi…
Xăm môi, phun môi là 2 phương pháp đưa mực xăm vào trong lớp da hoặc niêm mạc, tùy theo độ nông sâu mà có thể gọi là xăm hay phun khác nhau. Phun môi là kỹ thuật sử dụng máy phun xăm có gắn đầu mũi kim siêu nhỏ, bên trong có gắn bầu mực tác động vào môi với độ sâu không quá 0,2 mm, đưa mực xăm vào lớp biểu bì của da, thời gian nghỉ dưỡng ít, môi ít sưng nề, tuy nhiên độ bền màu kém.
Xăm môi là kỹ thuật dùng kim đâm xuyên qua lớp sừng, sau đó thoa đều mực xăm lên hoặc lấy mũi kim nhúng vào mực trước rồi thoa lên da đưa mực xăm vào lớp sâu của da, có thể qua lớp đáy xuống trung bì. Với độ sâu tác động lên môi, kỹ thuật xăm môi giúp bền màu hơn, tuy nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về các biến chứng, thường gây tổn thương lớp niêm mạc nhiều nên khi xăm có thể gây chảy máu. Sau xăm, môi sưng nề to và có thể gây nhiễm trùng.
Ở các trường hợp mực xăm không rõ nguồn gốc, quá trình thực hiện không đảm bảo vô trùng, người thực hiện không nắm vững chuyên môn thì cả phun môi lẫn xăm môi đều tiềm ẩn những nguy cơ.
Trước tiên là nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm siêu vi như viêm gan siêu vi B, C, HIV… nếu người thực hiện không đảm bảo môi trường và kỹ thuật vô trùng. Kế đến là việc sử dụng chất lượng mực xăm kém, rẻ tiền có thể gây ra các phản ứng dị ứng nặng tại nơi xăm như sưng nề, đỏ da, nổi mụn nước...
Trong trường hợp dùng loại mực xăm tốt, cũng không thể loại trừ được hoàn toàn phản ứng dị ứng với mực xăm, nhất là màu xăm đỏ. Cuối cùng, việc chăm sóc sau khi thực hiện kỹ thuật xăm cũng rất quan trọng, hầu hết các trường hợp xảy ra tai biến do nơi thực hiện kỹ thuật xăm không tư vấn hoặc tư vấn sai cách chăm sóc sau xăm.
Khi quyết định xăm hãy đến các cơ sở xăm uy tín, đảm bảo các trang thiết bị và quy trình vô trùng.
Và khi không may có bất thường xảy ra, hãy đến khám ngay tại các BV có chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ để được điều trị kịp thời, tránh những xử lí sai dẫn đến các tổn thương nặng nề hơn, khó hồi phục.