Tôi đọc trên mạng có thông tin người tiểu đường nên kiêng ăn đường, tinh bột để chống đề kháng insulin. Từ đó giúp đảo ngược quá trình tiểu đường, giúp điều trị triệt để bệnh tiểu đường.Điều này có đúng không?
Bạn đọc Quỳnh Mai (TP.HCM) hỏi:
ThS. BS Đặng Ngọc Hùng, Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng trả lời:
Tôi rất hoan nghênh việc chúng ta hạn chế đường tinh luyện cũng như các loại đường hấp thu nhanh. Tuy nhiên nếu chúng ta nghĩ rằng ngưng ăn tinh bột và đường để chữa khỏi bệnh tiểu đường (ở những bệnh nhân đã được chuẩn đoán là bị tiểu đường) là không đúng. Bởi hiện nay, tiểu đường đang được coi là bệnh mãn tính, và kể cả khi chúng ta không ăn đường, không ăn tinh bột thì cơ thể vẫn có một cơ chế nội sinh để tân tạo đường.
Điều này có nghĩa là khi nguyên liệu đi vào không đủ thì cơ thể chúng ta vẫn có thể tạo đường cho cơ thể, vì rất nhiều tế bào muốn “nhận” được để tạo năng lượng.
Ngoài ra, cần lưu ý đường ở đây không phải là đường hấp thu nhanh mà đường này là đường glucose từ tinh bột. Kể cả không ăn tinh bột thì có thể vẫn tìm mọi cách để tạo ra đường.
Nói như vậy có nghĩa là chúng ta không nên coi glucose là "kẻ thù", mà chúng ta cần phải cung cấp tinh bột ở mức vừa phải để giúp cơ thể có đủ nguyên liệu.
Đồng thời chúng ta không nên dùng những cụm từ “điều trị triệt để tiểu đường” hoặc “khỏi tiểu đường”, vì về bản chất điều đó không thực sự đúng, kể cả kiêng hoàn toàn tinh bột và đường.
Chúng ta chỉ nên dùng từ "kiểm soát đường huyết", thông qua các phương pháp điều trị bao gồm điều trị y học, dinh dưỡng, tập luyện và kể cả các liệu pháp tâm lý, để đưa chỉ số đường huyết về mức ổn định.