Thế giới đã chính thức bước sang năm 2024 và cũng chỉ còn đôi ba tuần nữa Việt Nam cũng bước sáng năm con Rồng Giáp Thìn 2024 theo lịch âm. Giờ là lúc các chị các mẹ lại bắt đầu lục đục lên ngân sách chi tiêu cho dịp Tết nguyên đán sắp tới và thậm chí là cho cả năm 2024 với những mục tiêu mới, ước vọng mới.
Trong năm 2023, xu hướng "sang trọng thầm lặng" (quiet luxury) được nhắc đến nhiều như dự kiến nó sẽ bị lật đổ vì một xu hướng tài chính mới và thực tế hơn nhiều: "Tiết kiệm ồn ào" (loud budgeting).
Trong một video với sức viral cực mạnh vào cuối năm 2023, TikToker tên Lukas Battle đã nêu ra thuật ngữ này và giải thích khái niệm. Tính đến thời điểm ngày 23/1, video đã thu hút 1,4 triệu lượt xem.
"Không phải là 'Tôi không có đủ' mà là 'Tôi không muốn chi tiêu', Lukas giải thích trong video lan truyền. "Hãy gửi thông điệp về mức độ lạm phát quốc gia. Chúng ta hãy dũng cảm đứng lên".
"Tiết kiệm ồn ào" là gì?
Trong khi "sang trọng thầm lặng" là cách để những người giàu thể hiện sự giàu có của họ một cách tinh tế, thì "tiết kiệm ồn ào" lại là việc ưu tiên các mục tiêu tài chính và thể hiện lối sống tiết kiệm theo lựa chọn của bạn và sẵn sàng công khai với người khác, không ngại kể lý do.
Chẳng hạn như, bạn từ chối đi đám cưới hoặc tự nhuộm tóc tại nhà và thẳng thắn thừa nhận với người khác về lý do đằng sau quyết định của bạn.
Như Lukas đã đưa khái niệm này vào một video lan truyền khác trên TikTok: "Xin lỗi, tôi không thể ra ngoài ăn tối. Tôi chỉ được chi tiêu 7 USD cho 1 ngày".
Lukas tuyên bố: "Trong khi sự 'sang trọng thầm lặng' là nhắm đến những người giàu có nổi tiếng, thì 'tiết kiệm ồn ào' hướng đến những người bình thường.
Nói một cách đơn giản, nó ủng hộ ý tưởng minh bạch về tầm quan trọng của các mục tiêu tài chính của bạn, điều này không chỉ trao quyền mà còn giúp bạn có trách nhiệm khi hoàn thành mục tiêu của mình.
Ảnh minh họa. |
Brian Ford, cố vấn quản lý tài sản của Công ty dịch vụ tài chính Northwestern Mutual, cho biết: "Nhiều người có thể xác định việc phải ưu tiên những thứ thiết yếu như thực phẩm và nhà ở hơn, và việc 'tiết kiệm ồn ào' giúp mang lại cho họ một cộng đồng nơi có thể khích lệ những lựa chọn đầy khó khăn nhưng có trách nhiệm đó".
Elizabeth Schwab, Chủ tịch Chương trình của Khoa Tâm lý Kinh doanh và Kinh tế Hành vi tại Trường Chicago, nói với CNBC: "Ưu tiên tiết kiệm và thực hiện nó một cách đầy tự hào có vẻ là một ý tưởng tuyệt vời. Nó xóa bỏ sự kỳ thị những gì nhiều người đang cảm nhận và trải qua".
"Tiết kiệm ồn ào" giúp ích cho các gia đình như thế nào?
"Tiết kiệm ồn ào" là một xu hướng mới nhưng đây là điều mà nhiều gia đình đang áp dụng. Nó có thể không giống việc giảm bớt các bữa tụ tập giữa buổi với bạn bè (vì thành thật mà nói, dù sao thì hầu hết các bậc cha mẹ cũng không làm điều đó thường xuyên) mà là mua đồ cũ cho các con hoặc lập kế hoạch về bữa ăn để cắt giảm chi phí đi chợ.
Khi chiến lược này được áp dụng, đây có thể là một cách tuyệt vời để các bậc cha mẹ xây dựng cộng đồng rất cần thiết và cảm thấy bớt cô đơn hơn trong hành trình tiết kiệm tiền của mình.
Ảnh minh họa. |
Shawna Martin, Giám đốc điều hành của Seedling Coach, nói với trang tin tức CNET: "Chiến lược nằm ở việc tìm một người đáng tin cậy để chia sẻ hành trình quản lý tài chính của bạn, cung cấp sự kết hợp giữa hỗ trợ, trách nhiệm và quan trọng là động lực".
Bộ Nông nghiệp Mỹ đã ước tính chi phí nuôi một đứa trẻ từ sơ sinh đến 17 tuổi là 233.610 USD (5,7 tỷ VNĐ) để các bậc cha mẹ biết tất cả về ngân sách và tiết kiệm.
Rất có thể, những người bạn có con nhỏ của bạn sẽ sẵn sàng tham gia công cuộc săn lùng các cửa hàng giảm giá, tiết kiệm và cùng lên lịch đi chơi ở công viên hoặc nhà ở thay vì những chuyến đi chơi đắt tiền.
"Tiết kiệm ồn ào" thực sự có hiệu quả không?
Khái niệm "tiết kiệm ồn ào" còn quá mới nên còn quá sớm để biết tác động của nó là tích cực hay tiêu cực.
Về lý thuyết, đó là một chiến lược tuyệt vời. Tuy nhiên, những người quá lạm dụng phương pháp này có thể có nguy cơ bỏ lỡ những trải nghiệm xã hội có ý nghĩa nằm ngoài nguyên tắc của họ.
Ảnh minh họa. |
Ben Markley, một nhà giáo dục tài chính cá nhân và người sáng tạo nội dung của YNAB đã nói với trang Money.com: "Nói chung là câu tuyên bố 'bất cứ thứ gì nghe có vẻ đắt tiền, tôi sẽ nói không' không phải là cách tiếp cận đúng đắn".
Thay vào đó, ông khuyên mọi người nên sử dụng ứng dụng, bảng tính hoặc tài liệu word để viết ra các mục tiêu của mình và đưa ra kế hoạch về cách đạt được chúng một cách dễ dàng nhất. Bằng cách đó, khi có khoản chi tiêu tốn kém, bạn có thể đưa ra quyết định sáng suốt về việc đồng ý hay bỏ qua.
"Điều đó cho phép bạn nói 'Tôi muốn làm điều đó, nhưng tôi thực sự muốn đến Colorado vào mùa hè tới' hoặc 'Tôi thực sự muốn trả hết các khoản vay sinh viên này'", Markley nói thêm. "Nó cũng cho phép bạn nói: 'Thực ra, tôi đã quyết định điều này quan trọng đối với tôi. Tôi sử dụng tiền của chính mình. Và bây giờ tôi có thể tự tin nói đồng ý".
Nếu bạn đang gặp khó khăn khi quyết định, bạn có thể điều chỉnh trải nghiệm dựa trên ngân sách của bản thân. Ví dụ, đi ăn tối nhưng không gọi đồ uống.
Schwab nói với CNBC: "Việc từ chối tất cả những lời mời xã giao cuối cùng sẽ gây tổn hại cho chúng ta về mặt xã hội và cảm xúc".
Các bậc cha mẹ, vì bận chăm sóc con cái nên thường thiếu sự tương tác chất lượng với bạn bè. Mặc dù mạnh dạn về việc chi tiêu tiết kiệm có thể mang lại điều kỳ diệu cho túi tiền của chúng ta, nhưng chúng ta cũng cần lưu ý đến sức khỏe tinh thần của mình.
Vì vậy, các mẹ ơi, nếu điều đó quan trọng với mẹ, hãy sẵn sàng thưởng thức ly đồ uống ngon nếu thèm! Hãy tận hưởng ngày spa làm đẹp, thư giãn nếu cần! Các mẹ có thể lưu tâm đến việc chi tiêu của mình và cũng nên dành chỗ cho những thứ mang lại niềm vui cho bản thân!
Nguồn: Motherly