Ai nên và không nên gây tê tủy sống khi sinh mổ để tránh tai biến sản khoa là câu hỏi “nóng” của nhiều người sau một số ca tai biến gần đây. Bên cạnh đó, trên mạng xã hội, nhiều bà mẹ từng sinh con bằng phương pháp sinh mổ còn bày tỏ mối lo lắng về tình trạng đau lưng kéo dài. Họ đặt câu hỏi có phải đây là “dư âm” do gây tê tủy sống khi sinh mổ mang lại?
Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định cho đến nay, không chỉ riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới, khi mổ lấy thai, bác sĩ đều sử dụng biện pháp gây tê tuỷ sống. Tỉ lệ áp dụng phương pháp này lên tới trên 95% bởi kỹ thuật này hiện nay được đánh giá mang lại hiệu quả tốt.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định chỉ 5% thai phụ không nên sử dụng phương pháp gây tê tủy sống khi sinh mổ. Ảnh: Thu Hà
Trước kia, y khoa áp dụng phương pháp gây tê màng cứng cho sản phụ khi sinh mổ. Phương pháp này sử dụng kim to, dễ bị rò dịch não tủy, gây di chứng đau đầu, thậm chí biến chứng nguy hiểm cho tính mạng sản phụ.
Vì lý do mất an toàn đó, phương pháp gây tê tủy sống đã ra đời và thay thế hoàn toàn cho gây tê ngoài màng cứng.
“Ưu điểm của phương pháp này chính là sử dụng kim nhỏ, ít gây di chứng sau gây tê cho thai phụ. Vì thế, các bà mẹ, chị em phụ nữ đang mang bầu nếu khỏe mạnh, không bị bệnh lý gì thì hãy yên tâm gây tê tủy sống khi sinh mổ”, GS. Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.
Là người ký văn bản yêu cầu các đơn vị y tế trên toàn quốc áp dụng phương pháp gây mê nội khí quản thay cho phương pháp gây tê tủy sống trong mổ lấy thai đối với những sản phụ có nguy cơ tai biến cao từng gây xôn xao cách đây hai năm, GS. Nguyễn Viết Tiến cho biết chỉ khoảng 5% trường hợp không nên sử dụng phương pháp gây tê tủy sống.
Đó là thai phụ bị nhau bong non, nhau cài răng lược, sản giật, tiền sản giật, rối loạn chức năng các cơ quan nặng.
Chị em hãy tuân thủ theo sự hướng dẫn, tiên lượng của bác sĩ chuyên khoa để lựa chọn phương pháp sinh con. Ảnh: Gia đình & Pháp luật.
“Bản thân gây tê tủy sống đã gây tụt huyết áp rồi. Nếu chủ quan gây tê tủy sống cho thai phụ bị các bệnh lý này thì rất nguy hiểm, có thể gây sự cố chảy máu ồ ạt, tụt huyết áp, thậm chí phải trả cái giá rất đắt.
Ở bệnh viện tuyến huyện, phương tiện hồi sức cấp cứu thiếu, để bệnh nhân ngừng tim trên bàn mổ thì chắc chắn dễ dẫn đến rối loạn đông máu, nguy cơ tử vong cho người mẹ rất cao.
Thậm chí ngay tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã từng xảy ra trường hợp sản phụ tử vong do biến chứng gây tê tủy sống khi sinh mổ. Nói như vậy để thấy, gây tê tủy sống khi đã xảy ra sự cố thì ngay cả bệnh viện hiện đại nhiều khi cũng cấp cứu không kịp”, GS. Tiến nói.
Theo GS. Nguyễn Viết Tiến, phương pháp nào cũng có sự cố, có thể với tỉ lệ thấp. Sinh thường có ưu điểm là trong quá trình chuyển dạ, đứa trẻ được ép lồng ngực qua ngả âm đạo nhằm ép dịch nước ối trong phổi ra ngoài.
Còn sinh mổ lấy thai có thể tồn dư nước ối do hút nước ối không tốt. Đứa trẻ sinh mổ có khi còn dễ bị ngạt hơn so với sinh thường.
Kết quả một cuộc sinh mổ ngoài tay nghề kỹ thuật viên còn phụ thuộc vào công đoạn gây mê hồi sức của cả một ê – kíp.
“Chị em không nên tự chọn phương pháp sinh mà hãy tuân thủ theo sự hướng dẫn, tiên lượng của bác sĩ chuyên khoa.
Bác sĩ chuyên khoa sẽ là người quyết định phương pháp sinh con đúng đắn, an toàn nhất cho người mẹ. Trong quá trình thăm khám, theo dõi thai kỳ, họ sẽ tiên lượng được người mẹ nên sinh thường, hay sinh mổ bằng phương pháp gây tê tủy sống hoặc gây mê nội khí quản để đảm bảo hệ số an toàn ở mức cao nhất”, GS. Tiến khuyến cáo.
Ngày 20/11, Bộ Y tế ban hành hai công văn gửi Sở Y tế TP Đà Nẵng và Sở Y tế tỉnh Nghệ An yêu cầu xác minh và báo cáo các sự cố y khoa nghiêm trọng tại hai địa phương này.
Cụ thể, sự việc tai biến y khoa xảy ra tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng ngày 17/11 khi bệnh viện này mổ lấy thai bằng phương pháp gây tê tủy sống cho sản phụ V.T.N.S. và sản phụ N.T.H.
Sản phụ S. đã tử vong, sản phụ H. thì trong tình trạng rất nguy kịch.
Bộ cũng yêu cầu Sở Y tế TP Đà Nẵng chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ sản phụ khoa và sơ sinh nghiêm túc thực hiện công văn số 5069/BYT-BM-TE ngày 29-8-2019 về sử dụng phương pháp vô cảm gây tê vùng trong mổ lấy thai.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tỉnh Nghệ An kiểm tra, xác minh trường hợp của sản phụ Hồ Thị M. (có thai lần ba) khi đến sinh con tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu ngày 19/11. Các bác sĩ mổ lấy thai 38 tuần tuổi. Tuy nhiên, bé trai nặng hơn 3 kg đã tử vong, người mẹ thì nguy kịch. Bộ yêu cầu đơn vị này gửi báo cáo nhanh quá trình theo dõi, chăm sóc, xử trí của Bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Lưu đối với sản phụ M. về Bộ Y tế.