Ngày chuẩn bị cưới Thắng, Thảo khá lo lắng về khoản nội trợ của mình. Bởi Thắng là con trai một, chị gái đã lập gia đình. Thảo xác định phải sống chung với bố mẹ chồng. Thảo thường hỏi dò Thắng xem mẹ nấu ăn ra sao. Mỗi lần như thế, anh toàn cười trừ: “Em yên tâm, em nấu ăn còn ngon hơn mẹ anh”.
Thảo cũng không khỏi thắc mắc bởi mỗi lần nhà anh có việc gì đều thấy chị gái Thắng đứng ra nấu nướng chứ mẹ ít khi vào bếp. Sau này, cưới nhau về, Thảo mới biết do mẹ vụng về nên mới thế.
Thảo làm cho một công ty truyền thông nên khá bận rộn trong khi mẹ chồng 62 tuổi đã nghỉ hưu. Vì vậy, sau khi cưới, Thảo chủ động đề nghị mẹ chồng giúp cô khoản nội trợ. Cả ngày đi làm vất vả, tối nào bố chồng và vợ chồng Thảo cũng được mẹ chồng cho ăn các món mua sẵn ngoài chợ. Hôm thì giò, hôm thì chả, hôm thì thịt quay, hôm khác thì là các món có sẵn mua ở cửa hàng như nem rán, thịt kho…. Món duy nhất mẹ Huy nấu đó là rau luộc. Cuối tuần nào được nghỉ làm, Thảo đều tranh thủ đi chợ, đi siêu thị mua đồ, sơ chế sẵn, để trong tủ lạnh. Tuy nhiên, mẹ chồng cô vụng về, hôm thì bà rán thịt cháy khét, hôm thì cá kho mặn, hôm thì gà luộc còn sống… Vậy là cả nhà cô lại trung thành với các món ăn sẵn.
Khi Thảo chửa vượt mặt, trong khi Thảo đi làm về là phụ dọn cơm, rửa bát, lau dọn nhà cửa thì cứ bẩy, tám giờ tối đến giờ phim là mẹ chồng Thảo lại ngồi xem hết thời sự lại đến phim này, rồi phim khác. Nhưng điều đó không đáng phải phàn nàn bằng mỗi lần vào nhà tắm xong, Thảo lại thấy hãi hùng bởi đống quần áo và đồ nghề tắm giặt vứt lăn vứt lóc. Thảo đã nhiều lần góp ý mẹ chồng để gọn và phân loại quần áo trắng và màu, đồ thường và lót vào hai cái làn nhựa cô đã để sẵn trong góc nhà tắm cho tiện thì bà ậm ừ rồi hôm sau vẫn vậy. Thảo dặn thêm thì bà chống chế: “Đằng nào chả giặt một mẻ, phân loại làm gì cho mất thời gian".
Thảo mang bầu bị ốm, Thắng lặn lội ra chợ mua gà về nhờ mẹ nấu cháo cho vợ. Khi mẹ chồng mang cháo lên, Thảo nhìn bát cháo nước một đằng, cái một nẻo mà ngán ngẩm. Hỏi ra mới biết, mẹ chồng cô vì muốn nhanh nên đã cho cơm nguội vào nấu cháo. Hôm sau nhà có giỗ, mẹ chồng Thảo thổi xôi. Khi sắp mâm, mọi người mới tá hỏa vì món xôi gấc mẹ chồng cô nấu đã biến thành món cháo gấc. Thì ra, để không phải ngâm gạo, bà đã cho gạo nếp, gấc vào nồi áp suất điện và bật chế độ hầm.
Đến khi Thảo sinh con, đó mới là lúc thật sự nảy sinh vấn đề. Trước đó, Thảo cứ nghĩ, mẹ chồng cô chỉ vụng trong khoản nội trợ, còn việc chăm trẻ chắc là ổn, vì bà đã có kinh nghiệm khi nuôi chồng cô và chị gái. Thảo sinh mổ nên những ngày đầu khá mệt vì đau. Mẹ chồng cô mang tiếng là trông cháu, nhưng hôm nào bà cũng ngủ tít, cháu quấy khóc đến mấy, bà cũng không hề hay biết. Con khóc, Thảo lại nén đau, dậy thay tã, pha sữa. Sau khi con rụng rốn, Thảo không thuê y tá tắm nữa để mẹ chồng tắm cho cháu. Vậy nhưng, bà bảo cháu nhỏ, bà bế sợ lọt tay, không an toàn. Trong tháng ở cữ, Thảo nhờ mẹ chồng giặt giũ và dặn bà giặt riêng khăn sữa, không bỏ vào máy cùng quần áo, tã lót. Tuy nhiên, để cho nhanh gọn, mẹ chồng Thảo thường cho tất cả vào máy giặt. Vậy là cứ khoảng chục nửa tháng, Thảo lại phải thay cả lố khăn sữa của con, vì chỉ sau vài lần cho vào máy giặt chung, những chiếc khăn đã xơ xác và đổi màu.
Thật sự Thảo thấy chán chường bởi nhà lúc nào cũng như bãi chiến trường.
Hết nghỉ chế độ thai sản 6 tháng đi làm lại, vợ chồng Thảo ngọt nhẹ nhờ mẹ ở nhà chông nom cháu nội. Thế nhưng thật chẳng ai lại không xót con khi có lần đi làm về thấy miêng con sưng phồng, môi con trai bé nhỏ mới 6 tháng ướm máu hỏi mẹ thì bà nói bà bón cháo cho cháu bị bỏng, có đau mới lớn được”. Thảo ôm con vào lòng đầyxót xa, đêm đến con giật mình khóc ré lên vì đau và hoảng sợ. Thảo có nói với chồng chuyện này anh chỉ nói là bà nhỡ chứ ai lại nỡ làm đau cháu nội của mình.
Đã 3 lần Thảo nói chuyện với chồng về việc thuê người giúp việc. Nhưng Thắng bảo làm thế bà chạnh lòng, buồn rồi sinh bệnh. Anh bảo cô cứ tin tưởng và hướng dẫn bà dần bởi vì gốc rễ là bà yêu cháu, yêu con, chỉ hơi vụng về tí thôi, rằng ngày xưa bà có vụng thật nhưng cũng nuôi nấng hai con nên người. Thảo đành ngậm ngùi tiếp tục chịu trận.
Sống chung với một bà mẹ chồng vụng, Thảo vẫn đang hàng ngày cố gắng. Nhiều khi cô cũng bức xúc, cũng ức chế, nhưng rồi lại phải an ủi, gồng lên mà làm, chấp nhận sự thật mình không may mắn có một bà mẹ chồng không như ý muốn.