Anh đẩy xe, dằn hắt chị: “Lên!”. Lúc này, với cái bụng bầu sắp sanh, chị khệ nệ tiến lại, khó nhọc leo lên xe. Anh chạy vù ra đường. Thành phố đã lên đèn, xe cộ tấp nập. Cái vòng xoay ngay trung tâm quận 5 sao lúc này mênh mông quá đỗi giữa biển người xê dịch từng chút. Nhìn gương mặt bực tức của người đàn ông trong kính chiếu hậu, bất giác chị chảy nước mắt.
Từ chiều, anh đã có vẻ căng thẳng. Nhân viên của anh gây ra rắc rối ở công trình. Đã vậy, lúc vợ chồng chuẩn bị đi khám thai, trời lại chuyển mưa. Suốt đường đi, anh chẳng nói chẳng rằng. Dăm lần chị bắt chuyện, kể cả hỏi thăm công việc, anh cũng trả lời nhát gừng.
Vợ chồng ngồi chờ ở phòng khám mà như người lạ. Anh ôm điện thoại lướt web. Chị ngồi bên chồng vừa ái ngại, vừa sốt ruột. Thỉnh thoảng khi công việc trục trặc, anh lại làm cho nhà cửa nặng nề, mặc kệ vợ đau ốm, bầu bì. Lúc đó, dù có đang cầm điện thoại đọc báo thì anh vẫn tỏa năng lượng tiêu cực từ công việc vào toàn bộ không gian xung quanh.
Biết tính chồng nên những lúc như vậy, chị luôn kiềm chế. Mà nếu không kiềm chế thì cũng dễ rách việc. Vì lúc đó, mọi tính toán, dự định của vợ chồng như trở thành một... của nợ với anh.
Có lần, khi vợ chồng đang hăng hái chuẩn bị qua nhà ngoại, tới giờ đi, chị thấy chồng vẫn ngồi ì ngoài sô-pha, ôm điện thoại. Chị nhẹ nhàng hỏi: “Anh có qua ngoại không?”. Lập tức, anh trả lời như vừa bị hạch hỏi bởi một đối thủ ghê gớm nào đó: “Hẹn rồi thì phải đi chứ!”. Chị bực, nhưng đành im lặng.
Nếu thường ngày chị đã quen cảnh “chồng chúa vợ tôi” thì cũng đành. Đằng này, anh vốn là người dễ thương, vợ chồng thân thiết và chia sẻ với nhau mọi điều. Vậy nên, chị mãi vẫn không “tịnh tâm” được những lúc bị anh dằn hắt. Thường, khi vừa hết căng thẳng, anh quay sang chị thì đã thấy chị… giận tự lúc nào.
Chị khẳng định, chỉ có thể là do anh coi thường vợ, trong sâu xa anh không xem vợ là người xứng đáng để chia sẻ thì anh mới có thái độ như vậy. Chị buộc tội anh “chỉ có những lúc tâm trạng tốt thì mới vui, còn khi có chút phân tâm là lập tức thể hiện sự coi thường, vậy không thể gọi là yêu thương”. Anh chỉ biết xin lỗi và hứa thay đổi. Nhưng đến lần này, chị biết mọi chuyện khó lòng thay đổi.
Lòng chị đang rối bời vì những nguy cơ xấu về sức khỏe của chị mà bác sĩ vừa thông báo cho hai vợ chồng trong phòng tư vấn. Nghe những thông tin như vậy, lẽ ra, vợ chồng phải san sẻ để cùng bớt lo lắng. Nhưng khi chỉ còn hai vợ chồng, chị nhận ra, bên cạnh mình vẫn là người đàn ông đang mải bực tức chuyện công việc.
Ngồi sau xe trong sự im lặng của chồng, chị cảm giác như mình là cái của nợ mà anh chẳng đặng đừng phải đưa đi. Vừa lo, vừa tủi, nước mắt chị cứ lăn dài. Lòng chị đã toan tính chuyện… bỏ về nhà ngoại vài hôm, hoặc tìm cô bạn thân tâm sự rồi khóc cho thỏa nỗi bất an trong lòng.
Vậy mà vừa bước xuống xe, nhìn tấm lưng áo khi anh vừa quay xe lại, chị bất giác nói: “Chồng, chuyện đâu còn có đó, anh đi cẩn thận nha!”. Anh nhìn chị, gật đầu - hành động giao tiếp thực sự đầu tiên từ đầu buổi chiều đến giờ. Chị đứng nhìn anh đi khuất. Lúc này, chị chỉ thấy ở hình dáng kia một người đàn ông nhiều gánh nặng, nhiều lo toan, áp lực, mà cũng nhiều yếu đuối mà chỉ riêng chị biết.
Mọi bực dọc, tủi thân, và cả sự cô đơn chị cảm thấy suốt buổi chiều, lúc này, chợt chuyển sang một sự thông cảm và… thương anh vô bờ. Câu nói động viên thật tâm chị vừa thốt ra với chồng cũng khiến chị thấy dễ chịu, thấy được kết nối với anh. Hình ảnh cau có đáng ghét của chồng trở thành một khuyết điểm quen thuộc mà chị đã quá thông hiểu.
Đến nỗi, chị nghĩ, nếu đến cả chị mà cũng soi vào cái khuyết điểm đó để đòi anh phải thay đổi, thì chẳng khác nào khiến anh phải đeo thêm một áp lực về chính cái bất toàn của con người mình.
Biết rằng đã là vợ chồng thì phải cố gắng hoàn thiện bản thân để cuộc chung sống trở nên dễ chịu. Nhưng, đã là vợ chồng mà còn không học nổi cách để thương, để kiên nhẫn với khiếm khuyết của bạn đời mà chỉ chăm chăm khơi sâu những thương tổn nơi mình - thì có xứng là vợ chồng không?