Cheryl Man thường là người duy nhất đeo khẩu trang ở khu vực tàu điện ngầm tại New York. Những người khác thường nhìn cô ái ngại mà không nói gì. Tuy nhiên sáng thứ ba vừa qua, khi đang đi trên đường, Cheryl bị một nhóm thanh thiếu niên chế nhạo và ho trực tiếp vào người cô.
"Tôi cảm thấy nhục nhã và bị hiểu lầm", Man, sinh viên 20 tuổi người Trung Quốc, cho biết.
Man cũng cảm nhận được sự kỳ thị rõ rệt khi cô tiếp tục đeo khẩu trang tại nơi làm việc của mình. Đồng nghiệp của Man không đeo khẩu trang và một số người cũng đã hỏi Man rằng liệu cô có bị bệnh hay không.
"Tôi nghĩ đó là một nghĩa vụ công dân. Nếu tôi vô tình bị nhiễm bệnh nhưng có đeo khẩu trang, tôi sẽ có thể giảm được nguy cơ lây nhiễm cho người khác", Man nói.
Chính phủ và các chuyên gia y tế ở Hong Kong, nơi Man sinh ra, cũng khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang và Man cũng tin vào lời khuyên đó. Gần như tất cả mọi người ở Hong Kong đều đeo khẩu trang kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Hong Kong có lẽ là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất của cơn sốt khẩu trang. Hoảng loạn vì dịch bệnh, nhiều cư dân Hong Kong đã thức trắng đêm bên ngoài các nhà thuốc chỉ để mua khẩu trang.
Các nước châu Á khác như Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản đã có chính sách phân phối khẩu trang cho người dân, Đài Loan và Thái Lan cấm xuất khẩu khẩu trang để ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước.
Nhưng ở Mỹ, việc một người khỏe mạnh đeo khẩu trang lại là một hành vi khó chấp nhận ở thời điểm hiện tại. Chính phủ Mỹ phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới WHO cho biết chỉ những người bị bệnh hoặc chăm sóc người bệnh mới cần phải đeo khẩu trang.
Jerome Adams, một bác sĩ phẫu thuật ở Mỹ, đã đăng lên Twitter của mình với nội dung: "Nghiêm túc mà nói hãy dừng việc mua khẩu trang đi. Nó không có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự lây nhiễm của virus corona, nhưng nếu các nhà cung cấp không có đủ khẩu trang cho bệnh nhân, điều đó sẽ khiến họ và cộng đồng gặp nguy hiểm".
Tư tưởng trái ngược
Khi dịch COVID-19 ngày càng lan rộng ra khắp thế giới, hai trường phái tư tưởng đối nghịch nhau về khẩu trang cũng được phản ánh rõ rệt. Quan điểm đầu tiên là của William Schaffner, giáo sư tại khoa truyền nhiễm của Đại học Vanderbilt, cho rằng khẩu trang y tế mà mọi người thường đeo thường không vừa vặn với mặt của họ.
"Nếu mọi người được khuyến nghị đeo khẩu trang, chúng ta sẽ không có đủ nguồn cung cấp cho các nhân viên y tế. Khẩu trang cần được ưu tiên hơn trong môi trường chăm sóc sức khỏe hơn là trong cộng đồng", tiến sĩ Schaffne cho biết và bổ sung rằng vài đồng nghiệp của ông đã báo cáo về tình trạng thiếu hụt khẩu trang.
Trong khi đó chuyên gia về thuốc hô hấp tại Đại học Hong Kong, David Hui cho rằng đeo khẩu trang giúp bảo vệ sức khỏe trước bệnh truyền nhiễm như COVID-19.
"Nếu bạn đứng trước một người bị nhiễm bệnh, khẩu trang sẽ bảo vệ bạn một phần nào đó. Khẩu trang giống như một rào cản ngăn chặn những giọt bắn chủ yếu là nguồn lây lan virus", Hui nói.
Ông David Hui cũng bổ sung vai trò của khẩu trang hiện nay là hết sức quan trọng do bản chất của loại virus corona mới. Bệnh nhân nhiễm COVID-19 thường chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng virus cũng có thể lây lan khi bệnh nhân không có triệu chứng nhiễm bệnh, nghĩa là bệnh nhân có thể lây bệnh mà không biết mình bị bệnh.
Khác biệt chuẩn mực văn hóa
Trước khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang vốn đã là vật dụng cần thiết của nhiều người dân ở Đông Á vì nhiều lý do khác nhau. Nhiều người đeo khẩu trang để bảo vệ những người xung quanh khi họ bị bệnh, một bộ phận khác đeo khẩu trang trong mùa cúm để bảo vệ bản thân.
Ở Nhật Bản, mọi người thường đeo khẩu trang ngay cả khi họ không bị bệnh. Đôi khi họ muốn che đi đôi môi bị sưng hay chiếc mũi đỏ vì dị ứng và để giữ ấm trong mùa đông, theo giáo sư xã hội học Mitsutoshi Horii tại Đại học Shumei, Nhật Bản. Khẩu trang ở Nhật được thiết kế và in ấn trên vải để đeo như là phụ kiện trên người. Việc này cũng không quá xa lạ trên đường phố Hong Kong.
"Trong tương tác xã hội ở phương Tây, bạn cần cho đối phương thấy mặt của mình và giao tiếp bằng ánh mắt. Biểu cảm khuôn mặt rất quan trọng", giáo sư Horii cho biết.
Hậu quả của dịch SARS để lại 17 năm trước cũng giải thích nguyên nhân phổ biến của việc đeo khẩu trang tại Hong Kong. Đây là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi có gần 300 người chết vì virus SARS, chiếm hơn một phần ba số ca tử vong trên toàn thế giới.
"Cú sốc do SARS để lại đã hình thành nên thói quen đeo khẩu trang ở Hong Kong. Mặc dù thế hệ trẻ không nhớ đến dịch SARS, cha mẹ và ông bà của họ đã có kinh nghiệm sống trong nỗi sợ hãi và không chắc chắn nên họ không thể sống bình thường", Ria Sinha, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nhân văn và Y học của Đại học Hong Kong, cho biết.
Áp lực xã hội khi đeo hoặc không đeo khẩu trang
Man và những người khác ở phương Tây nhận ra rằng việc đeo khẩu trang thu hút sự chú ý không mong muốn và thậm chí biến họ thành mục tiêu. Mặc dù hiện nay các trường hợp nhiễm COVID-19 ở Mỹ đã lên đến 1.300, cao hơn rất nhiều so với Hong Kong (129 ca), Man cho biết khoảng một phần tư bạn bè của cô đến từ Hong Kong, Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc sẽ không đeo mặt nạ vì lo sợ bị phân biệt chủng tộc.
Và trong khi hầu hết mọi người ở Hong Kong đều bịt khẩu trang, Andy Chan, 29 tuổi, cho biết anh nghĩ rằng việc đeo khẩu trang trên diện toàn thành phố đang gây ra sự hoảng loạn không cần thiết.
"Người ta nhìn tôi buồn cười vì tôi không đeo khẩu trang. Nhưng tôi nghĩ điều đáng cười duy nhất là tất cả mọi người đang sợ hãi quá mức. Mọi người đang được dẫn dắt bởi cảm xúc, không phải khoa học", Chan nói.
Tuy nhiên, Charlotte Ho, nội trợ 55 tuổi ở Hong Kong, cho biết nếu thấy ai đó không đeo khẩu trang, cô sẽ tránh xa để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm.
"Đeo khẩu trang chỉ là lẽ thường. Nó tạo ra một rào cản để không có gì có thể chạm vào mũi và miệng bạn. Tại sao tôi không nên đeo khẩu trang chứ?", Ho nói.