Theo ghi nhận của báo Vietnamnet, BS CKII Dương Văn Mười Một, Trưởng khoa Phẫu thuật tim - Lồng ngực mạch máu, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật lấy khối u trung thất chèn ép tim cho chị T.L.Q. (24 tuổi, ngụ Vĩnh Long).
Theo đó, chị Q. có nhu cầu đi hợp tác lao động nên tới khám sức khỏe ở một bệnh viện địa phương. Các bác sĩ phát hiện trên phim X-quang có bóng mờ trung thất. Chị Q. vào Bệnh viện Nhân dân 115 điều trị.
Trước đó, chị Q. chưa ghi nhận bệnh lý bất thường, không tức ngực, không khó thở. Qua thăm khám cận lâm sàng, các bác sĩ phát hiện X-quang ngực có tổn thương, choán chỗ ở trung thất phải tầng dưới. Kết quả CT-Scan ngực có cản quang, khối choán chỗ vùng trung thất trước phải, cạnh bờ nhĩ phải dạng nang dịch, thương tổn chèn ép nhĩ phải và cấu trúc lân cận.
Chị Q. được chẩn đoán u trung thất chèn ép nhĩ phải và được chỉ định phẫu thuật nội soi. Các bác sĩ đã tiến hành cắt trọn khối u với kích thước 60x60 cm, dính nhĩ phải. Khối u được gửi làm giải phẫu bệnh, kết quả là u quái trưởng thành ở trung thất.
U trung thất, u quái trung thất
Khối u trung thất chủ yếu hình thành từ các tế bào mầm hoặc tế bào tăng sinh bất thường trong mô tuyến ức, mô thần kinh, mô bạch huyết. U trung thất có thể là lành tính hoặc ác tính (bệnh ung thư trung thất).
U quái thường gặp ở trung thất trước và thường là lành tính nhưng nhiều trường hợp khối u dính rất nhiều vào các cơ quan xung quanh, do đó việc phẫu thuật sẽ gặp nhiều khó khăn và dễ gây ra tổn thương.
Tại sao bị u trung thất cần điều trị sớm?
Trong giai đoạn sớm, bệnh nhân hầu như không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán, phát hiện và điều trị phẫu thuật loại bỏ kịp thời, khối u trung thất có thể xâm lấn, gây chèn ép đến tim, phổi và các mạch máu lớn, dẫn đến cản trở quá trình tuần hoàn và hô hấp.
Trong giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng bao gồm: đau ngực, khó thở, sụt cân, cơ thể suy kiệt, ho ra máu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hô hấp, tuần hoàn, làm suy giảm chất lượng cuộc sống.
Nếu không phát hiện và điều trị u trung thất kịp thời, khối u có thể di căn đến màng tim và phổi, đe dọa tính mạng người bệnh. Do đó, để chữa trị và phòng ngừa bị u trung thất, cần thăm khám định kỳ và chẩn đoán kịp thời các dấu hiệu nghi ngờ bệnh. Phẫu thuật cắt bỏ là biện pháp thường được sử dụng đầu tiên trong chữa trị ung thư trung thất.
U trung thất có nguy hiểm không?
Như vậy, mức độ nguy hiểm của khối u trung thất không chỉ nằm ở những biến chứng có nguy cơ gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời, mà còn là ở sự phức tạp của kỹ thuật loại bỏ khối u. Nếu các khối u hình thành ở những vị trí giáp với nhiều mạch máu lớn quan trọng (động - tĩnh mạch chủ), khí quản, thực quản,... thì đòi hỏi đường tiếp cận phẫu thuật bóc tách phải có độ chính xác cực cao, tránh tàn phá các tổ chức lân cận.
Để thực hiện thành công những trường hợp phẫu thuật bóc tách khối u phát triển tại vị trí “hiểm” trong lồng ngực, cần có sự hỗ trợ của hệ thống siêu âm nội soi hiện đại - có chức năng sinh thiết xuyên thành nhằm đánh giá chính xác vị trí của u là nằm dưới niêm mạc thực quản hay là trong trung thất; cũng như mức độ xâm lấn sang các tổ chức xung quanh của khối u. Đây là một trong những kỹ thuật cao, chuyên sâu của ngành phẫu thuật lồng ngực, chỉ được thực hiện ở bệnh viện lớn, uy tín.
Bác sĩ khuyến cáo người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ, kết hợp chụp X-quang tim phổi thẳng hoặc CT scan ngực theo chỉ định để phát hiện u trung thất sớm. Nếu không được chẩn đoán và phẫu thuật loại bỏ kịp thời khối u, điều trị trễ có thể dẫn đến các biến chứng phức tạp, nguy hiểm tính mạng bệnh nhân.