Nội dung bài viết:
Trẻ 3 tháng tuổi biết làm gì?
Bộc lộ cảm xúc
Bé 3 tháng tuổi đã chịu khó giao tiếp theo nhiều cách thông qua hành động hoặc ánh mắt. Bố mẹ có thể quan sát thấy con phát ra những âm thanh “ô, a” hay bật cười thành tiếng khi thú vị với điều gì đó.
Ngược lại, bé sẽ khóc to hoặc gào thét để thu hút sự chú ý của mọi người nếu cảm thấy không thoải mái. Hoặc con sẽ đòi mẹ khi con cảm thấy sợ hãi điều gì đó.
Tương tác với đồ chơi
Trẻ 3 tháng tuổi đã biết tương tác với những đồ vật trước mắt. Bé có thể đưa tay cầm nắm hoặc lắc những món đồ chơi trước mắt, nhất là với những món đồ chơi tạo ra tiếng như lục lạc.
Biết chờ đợi
Trẻ 3 tháng tuổi sẽ không còn quấy rầy mẹ quá nhiều khi thấy đói như lúc 2 tháng đầu đời, bé bắt đầu biết kiên nhẫn hoặc nằm đợi. Ngoài ra, vài bé còn biết ê a nói chuyện với mẹ trong khi ăn hoặc bú chậm rãi từng chút một.
Nhận diện khuôn mặt
Não của bé 3 tháng tuổi có những phát triển nhất định. Một số kết quả nghiên cứu cho thấy, trẻ 3 tháng tuổi đã biết ghi nhớ và nhận diện khuôn mặt. Con có thể phân biệt được đâu là khuôn mặt của người lạ. Ngoài ra, những người thân thuộc với trẻ như bố mẹ hoặc ông bà có thể được bé phân biệt tương đối rõ ràng.
Biết ghi nhớ
Trẻ 3 tháng tuổi có trí nhớ khá tốt. Bố mẹ có thể kiểm tra trí nhớ của con bằng những cách đơn giản. Khi trẻ khóc vì đói, mẹ chỉ cần vén áo cho con bú hoặc cầm bình sữa, con sẽ nhanh chóng nín khóc, tỏ thái độ vui vẻ, tươi cười, cử động chân tay và nhoài người lại, há miệng để bú.
Biết lẫy
Trẻ 3 tháng tuổi đã đủ cứng cáp để lẫy, ngóc đầu lên mà không cần bố mẹ giúp. Không những thế, khi nằm sấp nhiều bé còn tự nâng phần đầu và ngực lên. Một số bé hiếu động dễ dàng thực hiện các động tác như chống đẩy, tự lật ngửa mình.
Trẻ 3 tháng tuổi nặng bao nhiêu?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Trẻ sơ sinh ở giai đoạn tháng thứ 3 có cân nặng dao động khoảng tầm 5.2 kg đến 6.6 kg đối với bé gái và 5.7 kg đến 7.2 kg đối với bé trai là đạt tiêu chuẩn. Vì ở độ tuổi này, cân nặng trồi sụt rất nhanh nên mẹ không cần quá lo lắng.
Mức suy dinh dưỡng là thấp hơn hoặc bằng 4.6kg. Mẹ nên xem lại chế độ ăn uống, có thể nhờ bác sĩ tư vấn. Tương tự với mức béo phì 7.4kg.
Chiều cao, tuần tuổi này chiều cao của bé có thể dao động trong mức 55.6 – 64 cm.
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi
Nhu cầu dinh dưỡng
Với trẻ 3 tháng tuổi, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chủ yếu và quan trọng nhất với sự phát triển của trẻ. Thậm chí, theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, mẹ nên cho con bú ít nhất trong 6 tháng đầu đời. Trong trường hợp bất khả kháng, mẹ mới nên cho con uống sữa công thức.
Trẻ 3 tháng tuổi cần được mẹ cho bú khoảng 5 lần/ngày, với mỗi kg cân nặng trẻ cần khoảng 150 ml sữa. Theo đó, trung bình mỗi ngày bé cần khoảng 900 ml sữa với khoảng 170 – 200 ml mỗi lần. Ngoài sữa, hệ tiêu hóa non nớt của trẻ 3 tháng tuổi không thể tiếp thu thêm bất cứ loại thực phẩm nào.
Giấc ngủ của bé
So với bé 1 tháng tuổi, trẻ 3 tháng tuổi cần ít thời gian ngủ hơn, khoảng 15 tiếng/ngày. Bé thường ngủ từ 3 - 4 giấc vào ban ngày với mỗi giấc khoảng từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng. Ban đêm, trẻ có thể ngủ nhiều hơn từ 10 – 12 tiếng. Tuy nhiên, giấc ngủ của trẻ có thể không liên tục.
Theo thống kê, 95% trẻ dưới 12 tháng tuổi thức dậy ít nhất 3 lần vào mỗi đêm, việc này rất bình thường. Thậm chí, theo ý kiến của các chuyên gia so với những bé “ngoan”, những bé thường xuyên “quậy” về đêm thường có khả năng nhận thức và sự đồng cảm nhiều hơn.
Hệ miễn dịch của bé
Hệ miễn dịch là thành luỹ vô hình giúp bảo vệ cơ thể chống lại những tác nhân xâm hại từ bên ngoài như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng. Ngoài việc bổ sung dinh dưỡng, hệ miễn dịch còn có thể được tăng cường khi bé ngủ.
Lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi
Trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi, mẹ không nên để ánh sáng mạnh chiếu trực tiếp vào mắt bé.
Trong giai đoạn này, bé vẫn chưa thể nói nhưng các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ nên dành ít nhất 1 tiếng mỗi ngày để trò chuyện với con. Cách này giúp thắt chặt thêm tình cảm giữa ba mẹ với trẻ và giúp phát triển khả năng ngôn ngữ, trí não của trẻ.
Nếu có thời gian rảnh, mẹ có thể học thêm các cách massage cho trẻ 3 tháng tuổi. Massage giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp hệ tiêu hóa của bé hoạt động tốt hơn, ngăn ngừa táo bón hiệu quả.
Hệ tiêu hóa của trẻ 3 tháng tuổi không phù hợp để hấp thu bất kỳ thực phẩm nào ngoài sữa. Mẹ đừng thêm bất cứ thứ gì vào sữa của con.
Với trẻ bú mẹ hoàn toàn, mẹ cũng không nên cho con uống nước. Lượng nước có trong sữa mẹ đã đáp ứng đủ nhu cầu nước của trẻ trong giai đoạn này.
Với trẻ uống sữa công thức có thể cần uống một ít nước để tráng lưỡi nhưng tuyệt đối không được vượt quá 30 ml nước mỗi ngày.
Trẻ 3 tháng tuổi nên học gì?
Trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi, các mẹ cũng nên lưu ý lồng ghép việc giáo dục bé ngay từ thời điểm này.
Khi bé ê a nói chuyện hoặc rít lên, các mẹ cũng nên làm lại y hệt như vậy để khuyến khích bé phát triển khả năng giao tiếp. Thông qua những trao đổi này, bé sẽ nghe được âm thanh về ngôn ngữ và phần nào nhận thức được về cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con.
Các mẹ cũng nên mua cho bé những đồ chơi nhiều màu sắc với hình dạng, kích thước khác nhau để bé học cách nhìn nhận và khám phá. Đây là độ tuổi tốt để dạy bé cách cố gắng làm việc gì đó mà mình muốn.
Các mẹ có thể rèn cho bé bằng cách cầm một món đồ chơi yêu thích của bé và để ra xa nhưng vẫn trong tầm với của bé. Bé sẽ dễ dàng học được cách cố gắng để đạt được mục tiêu ngay từ khi rất nhỏ.
Một vài cách dạy trẻ 3 tháng tuổi cụ thể hơn:
1. Dạy bé cách vỗ tay, dang hai tay sang ngang, giơ tay lên trời... giúp kích thích sự năng động của bé.
2. Nhẹ nhàng di chuyển đôi chân bé giống như đang đạp xe đạp giúp các cơ của bé phát triển, đến giai đoạn bé tập đi thì chân bé sẽ cứng cáp hơn.
3. Sử dụng một món đồ chơi yêu thích của bé giơ lên cao, xuống thấp, sang phải hoặc sang trái để bé tập trung nhìn theo, giúp mắt bé nhanh nhạy hơn khi quan sát.
4. Làm nhiều nét mặt khác nhau để bé bắt chước, để bé học được cách biểu lộ cảm xúc qua gương mặt.
5. Nếu điều kiện thời tiết tốt, các mẹ nên cho bé ra ngoài đi dạo để bé cảm thấy thoải mái hơn cũng như khám phá thế giới rộng lớn bên ngoài.
6. Nói chuyện với bé giúp bé phát triển khả năng giao tiếp rất tốt. Trong khi nói chuyện với bé, cha mẹ nên điều tiết âm thanh lên xuống nhịp nhàng. Bắt đầu từ giọng nói nhỏ nhẹ, sau đó lên cao hơn hoặc ngân nga những bài hát, đoạn thơ có tiết tấu vui vẻ cũng khiến bé thích thú tập trung.
7. Mỗi khi các mẹ hài lòng hay thích thú hãy khen ngợi bé và gọi tên bé.
Không giống với khi mới sinh, trẻ 3 tháng tuổi đã linh động và hoạt bát hơn. Đây cũng là mốc thời gian được nhiều cha mẹ vô cùng mong chờ.
Vì vậy, cách chăm sóc trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh. Nắm được đặc trưng sự phát triển của bé trong thời kỳ này sẽ là căn cứ giúp cha mẹ chăm sóc con mình được đúng cách, bài bản và khoa học hơn.