Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo vô sinh hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ ba, đứng sau ung thư và bệnh tim mạch ở thế kỷ 21. WHO chỉ ra Việt Nam là một trong những quốc gia khu vực châu Á Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp và tỷ lệ vô sinh cao nhất thế giới.
Chia sẻ tại hội thảo quốc tế về hỗ trợ sinh sản ở TP HCM ngày 25/8, bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP HCM cho biết Việt Nam hiện có khoảng 7,7% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản đối mặt với vấn đề hiếm muộn. Ước tính cả nước có trên một triệu cặp vợ chồng hiếm muộn cần khám và điều trị.
Vô sinh là tình trạng mà các cặp vợ chồng mong muốn có thai, sinh hoạt tình dục đều đặn, không sử dụng bất kỳ một biện pháp tránh thai nào nhưng không có thai trong vòng 12 tháng.
Trước đây tỷ lệ thành công của thụ tinh ống nghiệm tính theo một lần chuyển phôi. Hiện nay việc tính toán dựa trên một lần thụ tinh ống nghiệm được bao nhiêu phôi, sử dụng hết số phôi đó thì bao nhiêu bệnh nhân có thai. Chuyển quá nhiều phôi trong một lần khiến bệnh nhân bị đa thai. "Tỷ lệ có thai của một lần thụ tinh ống nghiệm ở Việt Nam khoảng 60%, tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới", bác sĩ Tường chia sẻ.
Theo bác sĩ Tường, khuynh hướng hiện nay điều trị hỗ trợ sinh sản là dựa vào đặc điểm của từng bệnh nhân để điều chỉnh phác đồ phù hợp. Các kỹ thuật chữa vô sinh của Việt Nam hầu như bắt kịp với thế giới, khó khăn lớn nhất là vấn đề chi phí. Một bệnh nhân điều trị vô sinh hiếm muộn trung bình tốn khoảng 70-80 triệu đồng. Dù chi phí thụ tinh ống nghiệm ở Việt Nam thấp hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực nhưng vẫn cao so với thu nhập của người dân.