Theo Bộ GD&ĐT, năm học này, có hơn 24 triệu học sinh, sinh viên. Trong thư chúc mừng tới ngành Giáo dục trong dịp khai giảng năm học mới trước đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận những nỗ lực phấn đấu của ngành trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp để đạt được kết quả tích cực, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa, chất lượng giáo dục các cấp được nâng lên.
Việc chuẩn bị cho triển khai chương trình, sách giáo khoa mới cũng được thực hiện tích cực.
Qua thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mong muốn năm học mới, các nhà trường tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đạo đức lối sống, lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Trả lời PV Dân trí trước đó, về tình hình chuẩn bị cho năm học mới, Lãnh đạo Cục cơ sở vật chất và Thiết bị trường học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, không riêng vấn đề cơ sở vật chất, các vấn đề khác chuẩn bị cho năm học mới, năm nào Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các địa phương rất sát sao.
Cụ thể, trong những ngày hè, các địa phương và các nhà trường phải kiểm tra các công trình trường học nào xuống cấp, không đạt yêu cầu, phải sửa chữa, kiên quyết không đưa công trình xuống cấp, không đủ điều kiện, vào sử dụng.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT yêu cầu rà soát lại trang thiết bị trường học, xem cái nào thiếu, hư hỏng để mua sắm bổ sung.
Cũng theo đơn vị này, việc quá tải lớp học ở một số thành phố lớn và cơ sở vật chất vùng núi, vùng khó khăn là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, năm học này Thủ đô có 2.746 trường học các cấp với gần 3 triệu học sinh, tăng 40.000 học sinh so với năm học trước.
Trước thềm năm học mới, TP đã xây dựng 67 trường học (34 trường thành lập mới) với tổng kinh phí khoảng 3.900 tỷ đồng. Bên cạnh đó, toàn thành phố đã cải tạo 407 trường học các cấp với tổng số tiền 5.200 tỷ đồng; mua sắm các trang thiết bị chuẩn bị cho năm học với tổng số tiền hơn 745 tỷ đồng.
Trong Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức, đơn vị này đã đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp căn bản, trong đó vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn y tế trường học được chú trọng.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các trường nghiêm túc rà soát, bổ sung các khâu quản lý cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, nhất là việc đưa đón trẻ đến trường.
Ngoài ra, Sở cũng hướng dẫn các trường quản lý thu, chi đầu năm học đúng quy định; công khai đường dây nóng của Sở, Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã để phụ huynh phản ánh về việc thu chi không đúng nếu có.
Khoảng tháng 9/2019, Hà Nội sẽ hoàn thành rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hệ thống trường học; tổ chức tốt lễ khai giảng năm học mới ở các cấp, ngành học. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị thi, tuyển viên chức trên địa bàn.
Ở TP Hồ Chí Minh, năm học 2019 – 2020, thành phố có hơn 1,7 triệu học sinh các cấp, tăng hơn 75.000 học sinh so với năm học trước, trong đó bậc trung học cơ sở là tăng nhiều nhất (hơn 26.000 học sinh), kế đến là bậc tiểu học, trung học phổ thông và mầm non.
Để chuẩn bị cho năm học mới, thành phố đã đưa thêm vào sử dụng thêm hơn 1.400 phòng học mới, gồm xây thay thế hơn 200 phòng học, chủ yếu vẫn là ở những địa bàn có số học sinh tăng cao.
Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, năm học mới thành phố đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học. Tuy nhiên, việc giảm sĩ số học sinh/lớp, tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày và chuẩn bị trường lớp cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới còn nhiều khó khăn.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, bình quân mỗi năm, thành phố tăng khoảng 15.000 học sinh không có hộ khẩu tại TP.Hồ Chí Minh. Áp lực phải đảm bảo chỗ học cho tất cả học sinh trên địa bàn đã làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp, vượt cao so với chuẩn (bậc tiểu học), học sinh tham gia học 2 buổi/ngày giảm.
Hiện nhiều quận, huyện có nhiều trường quy mô trên 40-50 học sinh/lớp, đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy.