Những ngày gần đây, thời tiết ở các tỉnh miền Bắc và Thủ đô Hà Nội nắng nóng gay gắt. Ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội như Xanh pôn, Thanh Nhàn, Đống Đa, BV Nhi… số trẻ đến khám, nhập viện do sốt, mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu chảy cũng gia tăng.
Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn đơn cử như vào chiều ngày 16/6, tổng số bệnh nhi đang điều trị tại đây khoảng 200 trẻ. Trẻ nhập viện ở mọi độ tuổi khác nhau, nhiều nhất là trẻ từ 1 đến 3 tuổi.
Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang - Phó khoa Nhi cho biết, trong số các bệnh nhi đang điều trị tại khoa, chủ yếu vẫn là trẻ mắc bệnh về tiêu chảy và hô hấp. Thống kê sơ bộ cho thấy, có đến 70% trẻ bị sốt hoặc viêm đường hô hấp.
Nguyên nhân của tình trạng trẻ mắc các bệnh đường hô hấp, sốt gia tăng theo BS Sang là do thời tiết nắng nóng, cộng với tâm lý chủ quan của một số phụ huynh trong chăm sóc con cái khiến bệnh càng trở nên trầm trọng. Đáng chú ý trong các sai lầm này có việc cho trẻ nằm điều hoà quá nhiều.
Chị Mai (Hai Bà Trưng) có con 6 tuổi là trường hợp điển hình. Nghỉ hè chị để con ở nhà với anh học lớp 10. Bữa trưa chị chuẩn bị sẵn đồ ăn rồi dặn hai anh em tự cho nhau ăn.
Cứ ngỡ các con đều lớn rồi nên chị chỉ dặn anh, trưa nắng thì bật điều hoà nhưng quên không hẹn giờ và để nhiệt độ phù hợp. Hai đứa đều nghịch nên nóng nhiều, chưa đến 10h cả hai con đã bật điều hoà. Có hôm, 5h chiều chị về phòng vẫn lạnh như ướp đá. Kiểm tra thì biết con để 26 độ C.
“Tôi nói, thằng lớn bảo thế mới mát nhanh nhưng đến lúc ngủ thì quên không điều chỉnh tăng nhiệt. Hệ quả là chỉ sau đúng 1 ngày con bé con đã sổ mũi, ho. Đến nay thì sốt đùng đùng phải nhập viện vì… viêm phổi”, chị Mai buồn rầu cho hay.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có rất nhiều người muốn hạ nhiệt bằng cách ngồi phòng điều hòa và thực tế đã có những trường hợp chết người do sau khi tắm nước lạnh lại nằm điều hòa chế độ lạnh ngay hoặc vừa đi nắng về lập tức tắm nước lạnh để giải nhiệt. Nguy cơ đột quỵ trong trường hợp này là rất cao.
PGS cảnh báo những trường hợp này bị đột quỵ do sau khi tắm rồi vào phòng điều hòa để chế độ lạnh khiến nhiệt độ cơ thể hạ thấp đột ngột, máu không lưu thông.
Trong trường hợp cơ thể đột ngột tiếp xúc với môi trường nhiệt độ xuống thấp như đang đi ngoài đường nắng nóng 38-39 độ C vào phòng điều hòa đột ngột chỉ có 17-18 độ C hay khi trời nóng rồi chuyển sang lạnh, sự chênh lệch nhiệt độ nhiều sẽ làm nhiệt độ cơ thể hạ đột ngột, mồ hôi không toát ra được, tổn hại đến trung khu thần kinh.
“Với sự thay đổi đột ngột này, nếu nhẹ, cơ thể có biểu hiện mệt mỏi, lờ đờ, đau đầu, chóng mặt. Nặng có thể làm nhịp tim và hơi thở lúc đầu nhanh, sau đó chậm dần, khó thở, thậm chí dẫn đến trạng thái hôn mê, tử vong. Đặc biệt nguy hiểm hơn với những người có sức đề kháng yếu, nhất là trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai…”, PGS. Dũng cho hay.
Trước thói quen dùng điều hòa của nhiều gia đình hiện nay, bác sĩ Mai Sang cho rằng: “Việc dùng điều hòa trong điều kiện thời tiết nắng nóng là hợp lý, nhất là gia đình có trẻ nhỏ”.
Tuy nhiên, bác sĩ Sang cũng cảnh báo, dùng điều hòa 24/24 hoặc trong thời gian quá dài là không nên, vì sẽ gây nên tình trạng trẻ “nghiện” điều hòa, lười vận động, từ đó dẫn tới hệ lụy sức khỏe khác.
Không khẳng định tất cả trẻ nhập viện điều trị viêm phổi là do việc sử dụng điều hoà nhều bởi có nhiều nguyên nhân phối hợp với nhau nhưng BS Mai Sang cho rằng việc sử dụng không đúng cách, lạm dụng điều hòa sẽ là yếu tố nguy cơ khiến trẻ mắc bệnh.
Cụ thể, việc bật điều hòa cả ngày, nhất là phòng nhỏ sẽ khiến không khí bị khô, từ đó dẫn tới khô da. Đặc biệt, niêm mạc mũi của trẻ cũng bị khô, chính điều này tạo điều kiện để vi rút, vi khuẩn đang trú ngụ sẵn ở đó xâm nhập vào bên trong khi có tổn thương, từ đó gây nên tình trạng viêm nhiễm.
Ngoài ra, cũng có gia đình áp dụng biện pháp chống khô bằng cách dùng quạt phun hơi nước. Bác sĩ Sang cho biết, cách này có thể sử dụng được nhưng không lạm dụng, vì phun hơi nước quá nhiều sẽ làm đọng nước, đó cũng là điều kiện để vi khuẩn phát triển, đó là chưa kể nguồn nước ô nhiễm cũng rất gây hại.
Theo bác sĩ Sang, khi sử dụng điều hòa tốt nhất không nên bật 24/24h, vẫn phải có khoảng thời gian cho trẻ ra ngoài trời vui chơi. Thời gian thích hợp nhất là vào buổi sáng sớm hay chiều mát, khi vui chơi cũng nên chọn nơi có bóng mát, nhất là vào buổi chiều.
Ngoài ra, cần quản lý trẻ chơi đùa để tránh tình trạng tăng thân nhiệt của trẻ, điều này cũng rất nguy hiểm. Khi trẻ đi chơi về, không nên cho trẻ uống nước lạnh, không cho trẻ tắm ngay, như vậy thân nhiệt thay đổi đột ngột, dễ bị bệnh về đường hô hấp, cảm lạnh.
Để bảo vệ trẻ an toàn trong mùa hè khi sử dụng điều hoà, BS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng bố mẹ cần lưu ý một số vấn đề:
Không thiết kế điều hòa thổi trực tiếp vào trẻ em. Khi bị luồng không khí với nhiệt độ quá thấp thổi thẳng vào cơ thể trong thời gian dài sẽ khiến máu huyết không lưu thông, gây ra đau nhức, thậm chí là tê liệt các cơ. Do đó, sau khi bật điều hòa, bước tiếp theo là bạn nên điều chỉnh hướng gió cho thích hợp, tốt nhất là để luồng lạnh thổi hướng lên trên, tránh thổi trực tiếp vào người bé, nhất là phần đầu và tứ chi.
Không chạy vội vào phòng có điều hòa mát lạnh ngay khi đi ngoài trời nắng nóng cao điểm hoặc ngược lại. Đây là thói quen cực nguy hiểm, có thể dẫn đến sốc nhiệt, nguy cơ đột quỵ cực cao. Nguyên nhân là do cơ thể chưa kịp thích nghi với nhiệt độ phòng hoặc ngoài trời, nhất là khi di chuyển từ một chỗ quá nóng sang một nơi quá lạnh và ngược lại.
Mùa nắng nóng bé rất dễ đổ mồ hôi, vì vậy bạn nên tránh để nhiệt độ hạ thấp ngay khi mồ hôi trên người bé còn chưa khô, bất luận là việc tắm rửa hay bật điều hòa cũng vậy. Do sau vận động và đổ mồ hôi, lỗ chân lông trên cơ thể bé giãn nở, nếu lập tức chuyển sang môi trường lạnh sẽ khiến lỗ chân lông co lại đột ngột, dẫn đến các bệnh do nhiễm lạnh.
Không mở máy điều hòa cả ngày. Bật máy điều hòa liên tục trong suốt cả ngày ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe khi ở lâu trong phòng kín bật điều hòa. Bạn chỉ nên ngồi trong phòng điều hòa không quá 2 giờ.
Khi ra khỏi phòng nên mở cửa to và đứng ở cửa vài phút để cơ thể kịp thích nghi với không khí mới. Ngoài ra, nếu nằm ngủ máy lạnh thì lưu ý càng về đêm, cơ thể thiếu sự vận động, dễ bị cảm lạnh nên bạn cần điều chỉnh máy lạnh tăng nhiệt độ lúc đêm khuya.
Hạ nhiệt độ sau khi bé đổ mồ hôi. Mùa nắng nóng bé rất dễ đổ mồ hôi, vì vậy bạn nên tránh để nhiệt độ hạ thấp ngay khi mồ hôi trên người bé còn chưa khô, bất luận là việc tắm rửa hay bật điều hòa cũng vậy. Do sau vận động và đổ mồ hôi, lỗ chân lông trên cơ thể bé giãn nở, nếu lập tức chuyển sang môi trường lạnh sẽ khiến lỗ chân lông co lại đột ngột, dẫn đến các bệnh do nhiễm lạnh.
Vừa tắt điều hòa là cho trẻ ra ngoài ngay lập tức. Cũng tương tự như việc trẻ vừa đổ mồ hôi mà vào phòng điều hòa ngay sau đó, việc để trẻ ra khỏi phòng ngay sau khi tắt điều hòa cũng khiến nhiệt độ chênh lệch lớn, khiến cơ thể trẻ không kịp thích ứng, dễ sinh ra bệnh tật như đau đầu, cảm sốt… Tốt nhất sau khi tắt điều hòa, bạn nên cho trẻ ở trong phòng thêm một phút rồi mới ra ngoài.