Nội dung bài viết:
Độ tuổi thích hợp để dạy con đánh vần
Trong giai đoạn 0 - 5 là lứa tuổi vàng cho sự phát triển của trẻ về thể chất, cảm xúc, tình cảm xã hội… Bé cần học những bài học làm người đầu tiên, tham gia hoạt động tập thể, vui chơi, đặc biệt là phát triển nhận thức và ngôn ngữ. Vì vậy cần tạo môi trường thân thiện cho trẻ vui chơi, hoạt động, khám phá để phát triển đúng quy luật phát triển, không nên gò trẻ vào việc học ở giai đoạn này.
Hiện tại, đa số trẻ đều được gia đình cho học trước chương trình lớp 1 so với tuổi của bé, điều này là phản khoa học trong giáo dục với trẻ. Các chuyên gia đã chỉ ra những lỗi học sinh thường gặp nếu học viết, học đánh vần trước khi vào lớp 1 như sau:
- Hầu hết chữ của trẻ đều viết sai từ các nét cơ bản cho đến độ rộng, độ cao và khoảng cách.
- Cách đánh vần trẻ học trước thường thực hiện theo kiểu cũ, chẳng hạn chữ “lan” phải đánh vần đúng là “lờ-an-lan” thì trẻ lại đánh vần thành “a-nờ-an-lờ-an-lan”.
- Học sinh còn ngồi sai tư thế dẫn đến cách cầm bút, để vở theo thói quen xấu, khó sửa và dễ thành tật.
Vì vậy các bố mẹ không nên theo tâm lý số đông cho trẻ đi học thêm đại trà, ép bé vào lịch học khi những điều kiện tinh thần và thể chất bé chưa hoàn chỉnh. Chỉ nên bắt đầu hướng dẫn bé về chữ cái và con số khi bé đã hoàn thành chương trình lớp lá.
Tập đánh vần cho bé lớp 1 bắt đầu từ việc làm quen mặt chữ
Cách dạy bé lớp 1 đánh vần hiệu quả cần phải cho bé làm quen với các mặt chữ cái, dấu câu. Mẹ có thể mua các thẻ chữ cái ở các nhà sách hoặc tự làm, trang trí thành những bảng màu ngộ nghĩnh, dễ thương, kích thích thị giác của trẻ.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể mua những chữ cái có gắn nam châm, gắn lên cánh cửa tủ lạnh hoặc mua bảng chữ cái ngộ nghĩnh dán lên góc học tập, vị trí bé dễ nhìn thấy nhất.
Mỗi lần bé ở gần bảng chữ cái, mẹ hãy hỏi bé “đây là chữ gì”, lặp lại nhiều lần như vậy, bé sẽ nhớ chữ cái đó một cách tự nhiên, chủ động.
Cách dạy bé đánh vần vào lớp 1 từ những chữ đơn giản
Trước khi bé thành thạo việc đánh vần, mẹ nên dạy bé dạy bé đánh vần ghép chữ từ những chữ cái đơn giản, gần gũi nhất với bé. Đó là những chữ mà bé thường gọi hàng ngày như “ba”, “mẹ”, cái “bàn”, cái “ghế”, cái “chén”… Những từ ngữ gần gũi sẽ giúp bé dễ tưởng tượng và nhanh chóng tiếp thu hơn so với những từ ngữ xa lạ, không thông dụng khác.
Tiếng | Cách đọc | Ghi chú |
Dơ | Dờ - ơ – dơ | |
Giơ | Giờ - ơ – dơ | Đọc là "dờ" nhưng có tiếng gió. |
Giờ | Giơ – huyền – giờ | Đọc là "dờ" nhưng có tiếng gió. |
Rô | Rờ - ô – rô | |
Kinh | Cờ - inh – kinh | |
Quynh | Cờ - uynh - quynh | |
Qua | Cờ - oa - qua | |
Quê | Cờ - uê - quê | |
Quyết | Cờ - uyêt – quyêt Quyêt – sắc quyết | |
Bà | Bờ - a ba Ba – huyền - bà | |
Mướp | ưa - p - ươp mờ - ươp - mươp Mươp - sắc - mướp | (Nếu các con chưa biết đánh vần ươp thì mới phải đánh vần từ ưa - p - ươp) |
Bướm | ưa - m – ươm - bờ - ươm – bươm Bươm - sắc - bướm | |
Bướng | bờ - ương – bương Bương – sắc – bướng | |
Khoai | Khờ - oai - khoai | |
Khoái | Khờ - oai – khoai Khoai – sắc - khoái | |
Mười | Ưa – i – ươi-mờ - ươi - mươi Mươi - huyền - mười | |
Buồm | Ua – mờ - uôm bờ - uôm - buôm Buôm – huyền – buồm. | |
Buộc | Ua – cờ - uôc bờ - uôc - buôc Buôc – nặng – buộc | |
Quần | U – ân – uân cờ - uân – quân Quân – huyền – quần. | |
Tiệc | Ia – cờ - iêc - tờ - iêc - tiêc Tiêc – nặng – tiệc. | |
Thiệp | Ia – pờ - iêp - thờ - iêp - thiêp Thiêp – nặng – thiệp | |
Quăng | O – ăn – oăng – cờ - oăng – quăng. |
Với những từ khó đánh vần hoặc từ quá dài, mẹ không nên nôn nóng bắt bé phải học được ngay. Do khả năng phát âm của bé vẫn chưa hoàn thiện, nếu mẹ dạy những từ đánh vần khó, bé sẽ cảm thấy không hứng thú với việc học. Tốt nhất, mẹ hãy bắt đầu cho bé làm quen với những từ ngắn, dễ nhớ, kích thích việc ham học ở bé, sau đó thì mới nâng độ khó lên.
Thời gian dạy bé bao nhiêu là đủ?
Trong cách dạy trẻ lớp 1 đánh vần, thời gian học tốt nhất là từ 5 – 10 phút/ngày hoặc học ngẫu nhiên khi bé đang ở gần bảng chữ cái. Lưu ý ngày nào mẹ cũng phải dạy bé. Thời gian dạy quá lâu sẽ làm bé dễ chán nản, xao nhãng và không hứng thú.
Kinh nghiệm trong cách đánh vần tiếng việt chuẩn
Thời gian cùng bé học đánh vần nên vào những thời điểm bé ít bị chi phối bởi những trò chơi. Theo các nghiên cứu, thời gian tốt nhất là khi tắm vì trong phòng tắm bé không có nhiều trò chơi nên dễ tập trung hơn.
Bố mẹ nào cùng mong con mình nhanh biết đánh vần, nhưng mẹ nên nhớ không được dùng biện pháp bạo lực, ép buộc trẻ. Trẻ con rất ưa nịnh, thích những điều vui vẻ, vì thế đừng tạo áp lực cho con. Dạy trẻ học cần phải kiên nhẫn, mỗi ngày cho bé tiếp nhận một ít và tích tụ dần.
Trước khi dạy trẻ lớp 1 đánh vần, bố mẹ cần đảm bảo việc dạy cho bé nhớ hết mặt chữ cái, dấu câu. Có thể mua các thẻ chữ, số, kèm hình ảnh để bé có hứng thú học hơn.
Khen ngợi và khuyến khích nếu con đánh vần, ghép đúng được 1 từ. Dạy trẻ lớp 1 đánh vần những chữ liên quan mật thiết đến bé: tên bé, ba mẹ, anh chị thì bé dễ nhập tâm. Hàng ngày, cho bé ký tên vào các bức tranh tự vẽ, giúp bé tập viết, viết tên riêng của bé lên ba lô, hộp bút…
Để ôn những chữ đã dạy, không ép bé phải thuộc cả chữ, nên cho bé tìm chữ cái bị mất, ví dụ như từ “bàn” chỉ còn “…àn” rồi cho bé từ “b” và “d” hỏi xem phải ghép chữ nào.
Trẻ nhỏ thường hiếu động nên rất khó ngồi “ôm sách”, do đó bạn nên dán bảng chữ cái lên tường và cùng chơi trò học chữ cùng với trẻ. Khi chơi, xem xét độ hào hứng của trẻ, nếu trẻ thích có thể dạy nhiều chữ, còn trẻ không hứng thì chỉ nên dạy khoảng 2-3 chữ. Sau đó, khi bé xem phim thì cha mẹ nhắc lại những chữ đã dạy để trẻ nhớ.
Đánh vần theo công nghệ giáo dục mới
Cách dạy trẻ lớp 1 đánh vần có nhiều thay đổi so với trước đây. Âm là “Vật thật, là âm thanh”. Chữ là “Vật thay thế” dùng để ghi lại, cố định lại âm. Theo quan điểm của Công nghệ Giáo dục, 1 âm ghi lại bằng 1 chữ, nghĩa là các chữ ghi âm có vai trò như nhau. Ví dụ: 1 âm /chờ/ được ghi lại bằng 1 chữ “ch” (chữ: chờ) chứ không phải là được ghép lại từ 2 chữ c và h.
Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có sự tương ứng 1:1 giữa âm và chữ. Ví dụ: Âm /ngờ/ được ghi bằng 2 chữ: ng và ngh (ngờ kép). Âm /cờ/ được ghi bằng 3 chữ: c (cờ), k (ca) và q (cu)
Đánh vần theo Âm, không đánh vần theo Chữ
Ví dụ: ca là /cờ/ - /a/ - ca/, ke là /cờ/ - /e/ - /ke/, quê là /cờ/ - /uê/ - /quê/
Do đánh vần theo âm nên khi viết phải viết theo Luật chính tả: Âm /cờ/ đứng trước âm /e, ê, i/ phải viết bằng chữ k (ca). Âm /cờ/ đứng trước âm đệm phải viết bằng chữ q (cu), âm đệm viết bằng chữ u.
Đánh vần theo cơ chế 2 bước
Bước 1: Đánh vần tiếng thanh ngang (Khi đánh vần tiếng thanh ngang, tách ra phần đầu/phần vần). Ví dụ: ba là /bờ/ - /a/ - /ba/.
Bước 2: Đánh vần tiếng có thanh. Khi đánh vần tiếng có thanh khác thanh ngang thì tạm thời tách thanh ra, để lại thanh ngang. Ví dụ: bà: /ba/ - /huyền/ - /bà/. Học sinh chỉ học tiếng có thanh khi đã đọc trơn được tiếng thanh ngang.
Bảng âm và vần theo chương trình mới
- Các chữ đọc như cũ: a, ă, â, b, ch, e, ê, g, h, i, kh, l, m, n, ng, ngh, nh, o, ô, ơ, ph, s, t, th, u, ư, v, x, y.
- Các chữ đọc là /dờ/ nhưng phát âm có phần khác nhau: gi; r; d.
- Các chữ đều đọc là /cờ/: c; k; q.
Vần | Cách đọc | Vần | Cách đọc |
gì | gi huyền /gì/ | uôm | ua – m - uôm |
iê, yê, ya | đều đọc là /ia/ | uôt | ua – t - uôt |
uô | đọc là ua | uôc | ua – c - uôc |
ươ | đọc là ưa | uông | ua – ng - uông |
iêu | ia – u – iêu | ươi | ưa – i - ươi |
yêu | ia – u – yêu | ươn | ưa – n - ươn |
iên | ia – n - iên | ương | ưa – ng - ương |
yên | ia – n – yên | ươm | ưa – m - ươm |
iêt | ia – t – iêt | ươc | ưa – c – ươc |
iêc | ia – c – iêc | ươp | ưa – p - ươp |
iêp | ia – p – iêp | oai | o- ai- oai |
yêm | ia – m – yêm | oay | o – ay - oay |
iêng | ia – ng - iêng | oan | o – an - oan |
uôi | ua – i – uôi | oăn | o – ăn - oăn |
uôn | ua – n – uôn | oang | o – ang - oang |
uyên | u – yên - uyên | oăng | o – ăng - oăng |
uych | u – ych - uych | oanh | o – anh - oanh |
uynh | u – ynh – uynh | oach | o – ach - oach |
uyêt | u – yêt – uyêt | oat | o – at - oat |
uya | u – ya – uya | oăt | o – ăt – oăt |
uyt | u – yt – uyt | uân | u – ân – uân |
oi | o – i - oi | uât | u – ât – uât |
Các âm vẫn phát âm như cũ bao gồm: i, ai, ôi, ơi, ui, ưi, ay, ây, eo, ao, au, âu, iu, êu, ưu, on, an, ăn, ân, ơn, ưn, ôn, in, un, om, am ăm, âm, ôm, ơm, êm, em, im, um, ot, at, ăt, ât, ôt, ơt, et, êt, ut, ưt, it. |
Với những gợi ý trên đây hy vọng sẽ giúp cha mẹ phần nào trong cách dạy trẻ lớp 1 đánh vần hiệu quả.