Phụ Nữ Sức Khỏe

Hoại tử chân sau 10 năm hút thuốc lá mỗi ngày

Anh Tiến bị viêm tắc huyết khối động mạch chi dưới, hoại tử đầu ngón chân, suýt phải cắt cụt chân do hút một bao thuốc lá mỗi ngày suốt 10 năm.

Anh Đức Tiến (31 tuổi, quận 2, TP HCM) tái khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ngày 16/3, sau hai tháng phẫu thuật bắc cầu động mạch chi dưới. Vết thương bàn chân không còn đau, không chảy dịch, máu nuôi chân thông suốt. Anh may mắn giữ được bàn chân và đang tập vật lý trị liệu để đi lại bình thường.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa TP HCM cho biết, cuối tháng 11/2022, anh Tiến đến khám trong tình trạng bàn chân phải chỉ còn 3 ngón, lở loét, có mủ, hoại tử nặng. Anh được chẩn đoán mắc hội chứng viêm tắc huyết khối động mạch chi dưới (bệnh Buerger) do hút thuốc lá 10 năm qua, mỗi ngày một bao.

Trước đó (tháng 6/2022), anh thấy đầu ngón chân đen dần rồi tự lành, nên không thăm khám. Tình trạng đen ngón chân sau đó xuất hiện và tiến triển nặng hơn, người bệnh đi khám tại một bệnh viện trong thành phố, phải tháo khớp 2 ngón chân và cắt hạch thần kinh giao cảm thắt lưng để mạch máu nhỏ sẽ nở ra, giúp vết thương hồi phục. Tuy nhiên, vị trí tháo ngón sau nhiều tháng không lành.

Hình ảnh dựng hình mạch máu chân phải của bệnh nhân bị tắc với mạch máu bàng hệ ngoằn ngoèo. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Bác sĩ Dũng giải thích, hóa chất trong thuốc lá có thể gây kích ứng niêm mạc mạch máu, khiến chúng sưng lên, cản trở lưu lượng máu, hình thành cục máu đông gây tắc động mạch. Khi các mô không nhận đủ máu sẽ thiếu ôxy và chất dinh dưỡng để sống, lúc đó hoại tử vùng da, mô ở đầu ngón tay, ngón chân xảy ra.

Quá trình điều trị để giữ lại chân cho bệnh nhân kéo dài cả tháng. Các bác sĩ phải xử trí vết thương đang hoại tử lan rộng bằng cách cắt lọc toàn bộ mô hoại tử, làm sạch đáy vết thương. Sau đó, đặt máy hút chân không (Vaccum Assisted Closure - VAC) loại bỏ dịch ứ đọng, kích thích hình thành mạch máu, mô mới cho vết thương.

Sau một tháng xử trí, vết thương liền da, bác sĩ phẫu thuật bắc cầu động mạch chi dưới nhằm tái thông mạch máu nuôi chân. "Nếu không kịp thời tái thông mạch máu, bàn chân thiếu máu nuôi kéo dài sẽ bị hoại tử lan rộng, bệnh nhân có nguy cơ phải cắt đến cẳng chân", bác sĩ Dũng cho biết.

Vì lòng động mạch đoạn dưới gối bệnh nhân hẹp, mảnh như sợi chỉ, nguy cơ tắc cầu nối rất cao. Do đó, các bác sĩ quyết định sử dụng tĩnh mạch hiển (xuất phát từ các tĩnh mạch dưới mu bàn chân, đi qua mắt cá chân, dọc theo cẳng chân đến tĩnh mạch đùi) làm cầu nối đưa máu từ động mạch đùi xuống nuôi bàn chân. Nhờ đó, bệnh nhân có cơ hội giữ lại chân của mình.

Các bác sĩ khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, BVĐK Tâm Anh TP HCM, phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Buerger là một bệnh lý hiếm gặp, có thể xảy ra ở những người trẻ từ 20-40 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở các khu vực Địa Trung Hải, Trung Đông và châu Á nơi có nhiều người hút thuốc lá nặng (15-66% ở Hàn Quốc và Nhật Bản, cao tới 45-63% ở Ấn Độ).

Bệnh dẫn đến tình trạng các mạch máu ở chân, tay bị viêm, phù nề, gây hẹp lòng mạch cản trở máu đến nuôi chi. Nếu người bệnh không điều trị và tiếp tục hút thuốc, tình trạng tắc nghẽn mạch máu sẽ tiến triển nghiêm trọng hơn, dẫn đến loét, hoại tử phải phẫu thuật cắt bỏ ngón tay, chân. Một số trường hợp phải cắt toàn bộ bàn chân, hoặc cắt đến cẳng chân.

Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, các biện pháp chỉ giúp cải thiện triệu chứng. Trường hợp bệnh nặng cần kết hợp uống thuốc giảm đau, thuốc thúc đẩy lưu thông máu, liệu pháp VAC, mổ bắc cầu mạch máu... Bỏ thuốc lá là cách tốt nhất để phòng ngừa và điều trị bệnh.

Theo Thu Hà/VnExpress

Tin liên quan

Tìm hiểu về bệnh ban xuất huyết Henoch-Schonlein gây bầm tím da ở trẻ em

Ban xuất huyết Henoch-Schonlein (HSP) có các triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh đường tiêu hoá và viêm cầu...

Hà Nội: Hút thuốc lá điện tử, nam sinh tổn thương não phải thở máy

Sau khi hút thuốc lá điện tử, nam sinh viên (20 tuổi) đang học tại Hà Nội, bất ngờ bủn...

Bệnh hô hấp tấn công trẻ nhỏ: Những khuyến cáo quan trọng từ bác sĩ

Hình thái thời tiết cực đoan tại miền Bắc gần đây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, đặc biệt...

Bệnh uốn ván có lây không?

Bệnh uốn ván có lây không và triệu chứng điển hình của bệnh là gì? Khi nào người bệnh uốn...

Nhiều trẻ rơi vào tình trạng nguy kịch, nghẽn đường thở do hóc dị vật

Thời gian qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã liên tục tiếp nhận những ca hóc dị vật ở nhiều...

Căn bệnh ung thư khiến nữ diễn viên 'Vĩ tuyến 17 ngày và đêm' qua đời nguy hiểm thế nào?

Thông tin NSND Thụy Vân (diễn viên trong phim Nổi gió, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm) qua đời sau...

Hơn 200 học sinh ở một thị trấn tại Lào Cai phải nghỉ học vì ho, sốt, mệt

Trong 1 tuần, từ 7-13/3, gần 240 học sinh bốn trường học ở thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên...

Tin mới nhất

Tin Phụ Nữ Và Gia Đình