Cứu người lúc nguy nan, Thần ban cho con được Trạng Nguyên
Vào thời nhà Minh, tại tỉnh Giang Tây có một thầy đồ họ Thư đi dạy học xa nhà. Một năm nọ, ông cùng với những người đồng hương thuê một chiếc thuyền để trở về thăm quê. Khi thuyền thả neo nghỉ giữa đường, Thư lão sư lên bờ tản bộ, bỗng nghe thấy đằng xa có tiếng khóc thảm thiết vọng lại. Thư lão sư đến gần thì thấy đó là một phụ nữ đang tuổi trung niên. Ông bèn hỏi duyên cớ: “Chị có điều gì phiền muộn mà khóc lóc thảm thiết đến vậy?”.
Người phụ nữtrả lời: “Chồng tôi thiếu nợ quan phủ 13 lạng bạc, lại bị quan phủ ép phải trả ngay. Chồng tôi bị dồn đến chân tường, bất đắc dĩ đã tính đến việc bán tôi để có tiền trả nợ. Nhưng nếu tôi bị bán đi rồi, đứa con bé bỏng của tôi phải làm sao đây? Con tôi không người chăm sóc, cũng không được bú mớm hỏi tôi có thể không đau lòng được sao?”. Nói xong, chị ta lại ôm mặt khóc nức nở.
Thư lão sư bèn an ủi: “Những người đi cùng thuyền với tôi đều là thầy đồ quê quán ở Giang Tây, chỉ cần mỗi người bỏ ra một lượng bạc thì đã có thể giúp chị giải quyết khó khăn này rồi. Chị hãy lau khô nước mắt, đừng quá đau buồn nữa”.
Nói xong, Thư lão sư quay trở lại thuyền để thương lượng với mọi người, nhưng tiếc là không ai nguyện ý bỏ tiền ra và cũng không đồng ý với cách làm của ông. Thư lão sư lấy toàn bộ số tiền lương mà ông tích cóp được suốt hai năm dạy học, tất cả đều đưa hết cho người phụ nữ bất hạnh đó. Công đức của 13 lạng bạc này quả thật là nặng tựa Thái Sơn, đã cứu vớt cả nhà chị ta qua khỏi kiếp nạn.
Nhưng có điều, lúc ấy thuyền vẫn chưa về đến Giang Tây, trong khi số lương khô mà Thư lão sư mang theo đều đã cạn sạch, trên người ông cũng không còn một đồng xu nào. Những người đi cùng thuyền đều chê cười, cho rằng Thư lão sư là thầy đồ mà sao lại khờ khạo đến vậy.
May mắn vẫn có người tốt bụng, thấy ông phải nhịn đói nên đã mời ông dùng cơm với mình. Thư lão sư phải nhờ cơm của người nên không dám ăn no, dọc đường cứ như vậy mà nhịn đói suốt hai ngày trời.
Cuối cùng cũng về đến nhà, Thư lão sư liền nói với vợ: “Tôi đói quá rồi, nàng mau mau nấu cơm cho tôi ăn”.
Vợ ông nói trong nhà không còn gạo nữa, cũng không thể sang vay mượn hàng xóm. “Thiếp đã hỏi mượn gạo nhà hàng xóm biết bao nhiêu lần rồi, với lại đã hứa với họ là đợi sau khi chàng về sẽ nhất định trả lại số gạo đã nợ. Bây giờ chàng đã về nhà rồi, thiếp sao còn dám sang hỏi mượn gạo nữa đây?”.
Thư lão sư liền kể lại đầu đuôi mọi chuyện cho vợ nghe. Nghe xong, vợ ông nói: “Nếu đã như vậy, thiếp sẽ đi hái chút rau dại ngày thường thiếp vẫn hay ăn, chàng chịu khó chờ đợi vậy”. Cũng từ đó, cả hai vợ chồng phải ăn rau dại lót dạ qua ngày.
Buổi tối hôm ấy, khi Thư lão sư vẫn còn đang mơ màng trên giường, ông bỗng nghe thấy trên không trung có tiếng phán rằng: “Đêm nay ăn rau đắng, mai này đỗ Trạng Nguyên!”. Vợ chồng ông biết đó là Thiên Thượng ban phúc, vội vàng khoác áo bước xuống giường, quỳ xuống dập đầu bái lạy.
Năm sau, vợ ông sinh hạ một bé trai mập mạp trắng trẻo, đặt tên là Thư Phương, quả nhiên cậu bé ấy sau này đã thi đỗ Trạng Nguyên.
Đây chỉ là một câu chuyện xưa kể lại, nhưng kỳ thực cuộc sống luôn rất công bằng giữa nhân và quả, cho và nhận. Họa hay phúc bạn được nhận chính là do những việc bạn đã làm, lời bạn đã nói, ý bạn đã nghĩ.