Cuộc khai quật tử thi bí mật
Chánh nói với các bác sỹ, Nhật mất quá nhanh lại vừa sinh con xong, nếu như phải mổ sẻ thì càng thêm đau đớn. Phần vì thấy lời nói đó cũng có tình có lý phần vì Chánh khá có ảnh hưởng trong ngành y tế lúc đó nên Phó phòng Chính trị bệnh viện Bạch Mai đã không cho tiến hành giải phẫu tử thi của Nhật. Vì vậy, để có được bằng chứng then chốt của vụ án, phải tiến hành khai quật tử thi.
Điểm đặc biệt là sau khi vợ mất Chánh liên tục xuống thăm mộ. Dù công việc có bận rộn đến mấy thì cứ 2-3 ngày y lại xuống thắp hương mộ Nhật để tỏ ra rất đau đớn. Nhưng tất cả các việc làm đó chỉ là cái vỏ bọc, thực chất Chánh xuống mộ nhiều là để giám sát xem cơ quan điều tra có tiến hành khai quật hay không. Trong khi đó nếu như việc khai quật được tiến hành chắc chắn Chánh sẽ phát hiện ra và lúc đó việc điều tra càng trở nên rắc rối. Công tác điều tra dần bị rơi vào tình trạng bế tắc khi không thể tìm cách khai quật tử thi một cách bí mật khiến cho Chánh không hề biết…
Đúng vào lúc này, bệnh viện Quảng Ninh mở một hội nghị về y khoa, trong đó có cả một phần về nhi khoa, hơn thế nữa lại kéo dài trong 5 ngày khoảng thời gian vừa đủ để công tác khai quật tử thi cũng như ‘giải quyết hậu trường’ hoàn thành. Thiếu tướng Phòng đã bàn với thứ trưởng Đinh Thị Cẩn về việc sẽ điều Chánh đi cùng bà xuống Quảng Ninh dự hội nghị. Ngay lập tức thứ trưởng Cẩn đồng ý và còn hứa sẽ giữ chân Chánh ở dưới Quảng Ninh đúng 5 ngày.
Đúng vào ngày rằm của tháng giêng năm 1962, sau khi Ban quản lý Nghĩa trang Văn Điển đồng ý hỗ trợ buổi khai quật tử thi, Thiếu tướng Phòng quyết định tiến hành giám định tử thi. Buổi chiều hôm trước bác sĩ Chánh đã xuống Quảng Ninh.
Đầu mối thông tin từ cơ sở cũng đã xác nhận sự có mặt của bác sĩ Chánh tại đây. Buổi khai quật tử thi có sự hiện diện đầy đủ của đại diện các cơ quan chức năng có thẩm quyền …
Vào thời điểm này, thi thể y tá Nhật đã phân hủy rất mạnh nhưng vì nhiệm vụ phải thực hiện nên lực lượng pháp y của Bộ Quốc Phòng đã thực hiện hết sức cẩn thận, đúng nguyên tắc, chức năng của mình. Việc nhờ lực lượng pháp y bên Bộ Quốc Phòng là để đảm bảo sự công bằng cho quá trình giám định, thể hiện tính khách quan cho toàn bộ tài liệu điều tra.
Theo quy định tất cả sẽ phải tiến hành lấy 10 mẫu phẩm cả nội tạng và các cơ quan bên ngoài như tóc, móng tay… Các bác sĩ pháp y tiến hành rất cẩn thận, các mẫu phẩm đều được đưa vào những lọ thủy tinh, có dung dịch bảo quản theo quy định.
Sau khi mỗi mẫu phẩm được cho vào lọ, lực lượng pháp y sẽ tiến hành niêm phong, toàn bộ đại diện các cơ quan liên quan có mặt tại cuộc khai quật đều phải ký tên xác nhận niêm phong. Các mẫu phẩm được lấy hết sức cẩn thận, sau hơn 1h tiến hành khai quật, cuộc khai quật mới hoàn thành, 10 mẫu phẩm được niêm phong theo quy định và mọi người bắt đầu tiến hành chôn cất lại thi thể của y tá Nhật.
Để cẩn thận, trước đó, lực lượng chôn cất của nghĩa trang Văn Điển đã chuẩn bị sẵn những ô cỏ đã xanh tốt sau đó đắp lên mộ và cẩn thận ghép lại giống như mộ còn nguyên vẹn lúc chưa bị khai quật.
Cục quân y đã trực tiếp xét nghiệm các mẫu phẩm, sau khi thử nghiệm với những chất độc bay hơi rồi đến mã tiền, thủy ngân… đều không thấy có trong các mẫu phẩm. Bằng phương pháp tiên tiến nhất các bác sỹ đã tìm thấy trong tất cả các mẫu phẩm đều có chứa hàm lượng rất cao chất acxenic. Kết luận xét nghiệm đã khẳng định, trong thi thể của Nhật chứa rất nhiều thạch tín và là nguyên nhân dẫn đến cái chết của cô. Xâu chuỗi lại tất cả các chứng cớ cũng như tài liệu đã thu thập được, lúc này thiếu tướng Phòng đã chính thức khẳng định Chánh đã đầu độc vợ mình bằng acxenic.
Sau khi có kết luận xét nghiệm, hồ sơ vụ án đã được chuyển sang Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và đến tận tay Viện Trưởng Hoàng Quốc Việt. Tiếp đó, hồ sơ vụ án được chuyển sang tòa án và Vưu Hữu Chánh được triệu tập ngay lập tức. Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, công tố viên Nguyễn Quang Dụ, thuộc tòa án Hà Nội đã gặp trước Chánh. Lúc đầu Chánh khăng khăng chối tội khi y vẫn chưa biết quá trình điều tra đã hoàn thành. Y vẫn khẳng định rằng lượng liqueur fowler đã được cấp phát cho bệnh nhân ở các tỉnh. Tuy nhiên, với những chứng cớ mà thiếu tướng Quang Phòng và anh em trong phòng thu thập được, Chánh đã phải nhận tội và hắn đã nhận giết vợ bằng thạch tín.
Sự hối lỗi muộn màng
Phiên tòa xét xử Chánh thu hút được sự quan tâm đặc biệt của quần chúng đặc là những người trong ngành y. Ai nấy đều tỏ ra phẫn nộ trước hành vi giết người cực kỳ dã man của Chánh. Kẻ sát nhân là một bác sỹ đầu ngành được rất nhiều người bấy lâu nay vẫn kính phục. Gia đình của Chánh cũng như Nhật đều rất bất ngờ bởi ẩn sau vẻ bề ngoài đường hoàng của một giám đốc bệnh viện là một kẻ giết người tinh vi và sảo quyệt. Phiên tòa diễn ra khá nhanh khi các luật sư biện hộ cho Chánh không thể phản biện được trước những chứng cớ vô cùng xác đáng. Những bằng chứng, những hồ sơ giấy tờ mà thiếu tướng Phòng và anh em cùng đơn vị thu thập được đã không cho các luật sư một cơ hội để cãi tội cho Chánh.
Trước vành móng ngựa, bác sĩ Chánh thừa nhận tất cả và thuật lại toàn bộ nguyên nhân cũng như quá trình gây án. Khi nghe hết câu chuyện, mọi người thực sự đều hiểu rằng mọi việc diễn ra đều có những uẩn khúc sâu xa…
Bác sĩ Chánh bắt đầu dẫn dắt câu chuyện của mình từ ngày đám cưới với y tá Nhật diễn ra. Khi nhìn thấy bác sĩ Chánh và y tá Nhật kết hôn, trở thành gia đình, mọi người xung quanh đều cho rằng họ đúng là hình mẫu đáng mơ ước.
Những ngày đầu sau khi cưới, cuộc sống của vợ chồng bác sĩ Chánh đúng là rất hạnh phúc nhưng rồi nó cũng nhanh chóng phai nhạt bởi nhiều yếu tố, trong đó công việc là nguyên nhân then chốt nhất. Bác sĩ Chánh kể, y tá Nhật, vợ anh vốn là con của một gia đình khá giả, được cưng chiều từ nhỏ nên trong cuộc sống luôn đòi hỏi phải có sự cung phụng từ người khác.
Trong khi đó, bản thân bác sĩ Chánh lại quá bận bịu với công việc, các mối quan hệ xã hội nên không thể nào có nhiều thời gian cho vợ được. Nhiều lần đi trực đêm khi trở về nhà đã gần rạng sáng, mệt mỏi với công việc là một nhẽ lại bị y tá Nhật chì chiết cho rằng, đi đêm hôm với gái, bỏ mặc vợ ở nhà…
Đã rất nhiều lần hai vợ chồng cãi nhau trong đêm nhưng vì bác sĩ Chánh lo ngại hàng xóm biết chuyện sẽ không hay nên đều nín nhịn. Bác sĩ Chánh phân trần rằng, mình vốn là Giám đốc Bệnh viện, cũng được gọi là có vị thế trong xã hội, bạn bè, đồng nghiệp nhiều nếu như lộ chuyện hai vợ chồng cãi vã nhau cũng chẳng hay.
Chính vì suy nghĩ giữ thể diện cho bản thân cũng như là gia đình mà bác sĩ Chánh luôn chịu phần thua trong các cuộc cãi vã. Vị bác sĩ này bảo rằng, đi làm về mệt mỏi vô cùng, vợ chẳng hỏi thăm thì thôi, đằng này còn đay nghiến, cơm cũng chẳng có, rất nhiều hôm phải uống cốc nước rồi lên giường đi ngủ…
Chính vì những áp lực này nên dần dần tình yêu mà bác sĩ Chánh dành cho y tá Nhật đã phai nhạt. Đã nhiều lần bức xúc vô cùng nhưng cũng đành nén nhịn vì dù sao lúc này, vợ cũng đang mang bầu nên phải tránh những va chạm, không tốt cho đứa con.
Suy nghĩ đủ đường, bác sĩ Chánh cho rằng, chỉ khi y tá Nhật chết đi thì anh mới giải thoát khỏi cuộc sống địa ngục này. Vậy là trong đầu vị Giám đốc bệnh viện nảy sinh ý định sẽ tìm cách sát hại vợ mình.
Nghe toàn bộ quá trình thực hiện hành vi giết vợ của bác sĩ Chánh, tất cả mọi người đều cảm thấy vô cùng phẫn nộ và không thể ngờ được rằng, một con người vốn được nể trọng lại có thể gây ra hành vi táng tận lương tâm đến như vậy.
Vụ án bác sĩ Chánh giết vợ đã từng gây rúng động Hà Nội trong một khoảng thời gian rất dài. Sau nhiều năm tháng, dư luận dần chìm lắng, vụ việc này đi vào quên lãng nhưng khi nhắc lại nó, mọi người cho rằng, đây là một bài học về cách ứng nhân xử thế, đối đãi giữa vợ chồng với nhau và cũng là sự cảnh tỉnh về cách sống màu mè, quá xem nặng hình thức.
Nếu như y tá Nhật biết quan tâm tới suy nghĩ của chồng hơn, nếu như bác sĩ Chánh không vì sĩ diện mà nén nhịn thì có lẽ sự việc cũng chẳng đến mức độ như vậy. Tuy nhiên, dù sao đến nay mọi việc cũng đều đã trôi dần vào dĩ vãng.