Mỗi nơi, Chánh chỉ xin từ 10 đến 30cc liqueur fowler với lý do là mang về để tiến hành điều trị cho bệnh nhân. Vì cùng là nghành y với nhau nên mọi người chẳng ai nghi ngờ gì cả, khi Chánh hỏi đều đồng ý cho, tuy nhiên, muốn lấy được đều phải ghi vào sổ và có ký nhận.
Trong số những người mà Chánh tới xin liqueur fowler có bác sĩ Trịnh Kim Ảnh, Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Xô. Khi Chánh đến hỏi, bác sĩ Ảnh có hỏi là xin liqueur fowler về để làm gì thì vị bác sĩ Bệnh viện Nhi nói là về để chữa bệnh.
Cứu người là quan trọng, bác sĩ Ảnh ngay lập tức viết tờ phiếu cấp cho Chánh 10cc liqueur fowler mà không chút nghi ngờ gì cả….
Nhiều ngày sau đó bác sĩ Chánh đến hỏi nhiều chỗ để xin liqueur fowler, dù vậy để có được tới 1/2 lít thì gần như là một việc không thể. Dù xin không đủ lượng liqueur fowler nhưng bác sĩ Chánh cũng tập hợp được một số.
Lúc này, công việc quan trọng nhất là phải làm sao hợp pháp hoá được số liqueur fowler bào chế từ 3gram thạch tin đã xin. Thực hiện đúng kế hoạch đã bàn bạc trước đó, trong quá trình khám xét cho các bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi, bác sĩ Chánh khi kê đơn thuốc đều yêu cầu phải có liqueur fowler.
Tuy nhiên, khi đưa đơn thuốc, bác sĩ Chánh đều dặn người bệnh là sau khi mua đủ thuốc thì phải quay trở lại gặp bác sĩ để được hướng dẫn cách uống sao cho đúng.
Người bệnh cứ thế làm theo sự hướng dẫn của bác sĩ Chánh. Tuy nhiên, khi người bệnh mang số thuốc đã mua đến, bác sĩ Chánh liền thu lại liqueur fowler đã kê cho họ. Thậm chí, để người bệnh không thắc mắc, bác sĩ Chánh đã ký xác nhận về việc “cấp miễn phí” liqueur fowler nếu như có trong đơn thuốc.
Bác sĩ Chánh nói với những người bệnh rằng không cần thiết phải sử dụng loại thuốc này nên thu lại… Chẳng nghi ngờ, người bệnh cũng cứ thế làm theo hướng dẫn nên chỉ vài ngày, bác sĩ Chánh đã hợp pháp đủ 1/2 lít liqueur fowler.
Để không ai nghi ngờ cũng như xoá dấu vết về việc đã thu lại số liqueur fowler kê cho người bệnh, bác sĩ Chánh chỉ kê loại dung dịch này cho các bệnh nhân ở những tỉnh xa như Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái…
Mặt khác để họ không nghi ngờ, bác sĩ Chánh tỏ thái độ ân cần và hướng dẫn chữa bệnh hết sức cẩn thận. Bác sĩ Chánh cho rằng, những người bệnh ở xa như vậy sẽ chẳng thể nào liên lạc mà nói chuyện với nhau được nên việc mình thu lại liqueur fowler sẽ không bị phát hiện.
Điều đáng nói là vào thời điểm này, do đã có những nhận định từ trước nên thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng, người trực tiếp chỉ đạo công tác điều tra đã cử các trinh sát theo dõi bác sĩ Chánh để nắm bắt toàn bộ các di biến động.
Từ việc Chánh đi đâu, gặp ai, làm gì đều được các trinh sát điều tra thu thập một cách khéo léo và bí mật. Tất cả những nơi bác sĩ Chánh đến xin liqueur fowler cũng đều được ghi chép cẩn thận, những phiếu ký xác nhận của vị Giám đốc Bệnh viện Nhi này cũng đều được thu lại để tập hợp làm chứng cứ.
Tuy nhiên, đúng là giai đoạn ban đầu lực lượng điều tra không thể nghĩ được việc bác sĩ Chánh lại có thủ đoạn lấy lại liqueur fowler từ các bệnh nhân nên đã có những trở ngại rất lớn trong việc thu thập thông tin…
Khi một số tình tiết đã dần hé mở, với những bằng chứng thu thập khá đầy đủ, thiếu tướng Phòng đã chính thức thiết lập hồ sơ để trình lên lãnh đạo cấp trên. Tổng hợp tất cả các thông tin và các bằng chứng, hồ sơ về một vụ án giết người đã được xây dựng lên khá công phu chi tiết với nghi vấn số một là bác sỹ Vưu Hữu Chánh.
Với chức năng và nhiệm vụ của một phòng bảo vệ y tế nên việc điều tra vụ án này có một số vấn đề vướng mắc. Để giải quyết vấn đề này, thiếu tướng Phòng đã quyết định mang vụ việc này lên báo với Bộ trưởng Bộ Công an lúc đó là Trần Quốc Hoàn. Sau khi được nghe trình bày và nghiên cứu kỹ các bằng chứng trong bộ hồ sơ Bộ trưởng Hoàn quyết định để phòng bảo vệ y tế do tướng Quang Phòng phụ trách trực tiếp điều tra vụ án. Tiếp sau đó, thiếu tướng Phòng đã sang Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao để báo cáo viện trưởng lúc đó là Hoàng Quốc Việt. Không ngần ngại vì đã có những bằng chứng rất rõ ràng Viện trưởng Hoàng Quốc Việt đã quyết định khởi tố vụ án.
Tuy nhiên, do Chánh là một Giám đốc bệnh viện tuyến trung ương, việc điều tra có sự nhạy cảm nên tướng Phòng đã sang trực tiếp Bộ Y tế gặp Bộ trưởng lúc đó là Phạm Ngọc Thạch để báo cáo. Trong buổi họp kín thành phần gồm có Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, thứ trưởng Đinh Thị Cẩn, nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng và thứ trưởng Vũ Văn Cẩn, lúc đó còn kiêm chức Cục trưởng Cục quân y. Vì là một bác sỹ khá có tiếng tăm nếu như việc đúng như thông tin Chánh giết vợ đến tai người dân sẽ phần nào làm giảm uy tín ngành y Việt Nam lúc đó.
Nhưng mặt khác, pháp luật cũng không thể cho phép một kẻ phạm nhân giết người có thể thoát tội được. Bằng những tài liệu quan trọng, thiếu tướng Quang Phòng đã thuyết phục được các lãnh đạo Bộ Y tế chấp thuận cho điều tra vụ án. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đã yêu cầu phải bí mật và phòng bảo vệ y tế của tướng Phòng phải trực tiếp thụ lý. Bên cạnh đó, hai vị thứ trưởng ngành y tế còn khẳng định sẽ giúp đỡ công tác điều tra nếu như có liên quan đến vấn đề chuyên môn.