Theo báo cáo, nhiều trường học đã yêu cầu phụ huynh phải theo dõi sát con mình, không cho hoặc hạn chế con tiếp cận với ứng dụng TikTok.
TikTok là nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội của Trung Quốc. Từ khi TikTok thêm tính năng đăng phát trực tiếp thì người dùng trẻ càng khó kiểm soát giới hạn, dễ rơi vào tình trạng quá khích, làm theo những yêu cầu của người xem là bạn bè.
Tính bảo mật của TikTok khá kém, vì thế người lạ rất dễ thâm nhập vào xem nội dung của người dùng. Nhiều trường học đã ghi nhận học sinh của mình bị người lạ lân la làm quen sau khi tiếp cận được video của các em thông qua ứng dụng này. Dù TikTok giới hạn độ tuổi người dùng từ 13 tuổi trở lên, nhưng cũng như Facebook, trẻ em vẫn tự mò để chơi TikTok.
Tờ Mirror cảnh báo rằng, thực tế, trẻ từ 3-6 tuổi đã bắt đầu làm quen với ứng dụng này và vô tình các em hiểu đây là “không gian” an toàn. Mirror ghi nhận có những trẻ em gái rất thích tạo dáng, xuất hiện thật lung linh trên ứng dụng.
TikTok hấp dẫn giới trẻ vì nó có những bản nhạc tạo điều kiện cho người dùng dễ dàng hát nhép theo cùng các khuôn hình chế. Trong số đó, không ít bài hát có lời lẽ dung tục và TikTok thì khuyến khích người dùng vừa nhảy vừa hát theo.
Người chơi càng “làm trò” thì càng có những đoạn clip độc lạ, nên có trường hợp các em học sinh dùng hành vi bạo lực chỉ để phô diễn trên TikTok. Năm 2017, chính quyền Indonesia đã cấm TikTok sau khi hơn 17.000 người ký đơn kiến nghị phản đối việc lan truyền các video hở hang không phù hợp với trẻ em.