Theo Ths.BS Nguyễn Xuân Hòa - Khoa Ngoại Gan Mật Tụy, Bệnh viện Thống Nhất thì bệnh nhân có căn bệnh đặc biệt trên là chị L.T.L.(29 tuổi, quê Tiền Giang, hiện ngụ quận Bình Tân, TP.HCM). Chị L. được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng đau bụng, có khối gồ lớn bên trái.Tại đây, các các sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị u đa nang lách.
Qua khai thác bệnh sử được biết, trước đó bệnh nhân này đã phát hiện mắc phải căn bệnh u đa nang lách và được khuyên mổ nhưng do không có điều kiện nên bệnh nhân chưa mổ.
Ngay sau đó, các bác sĩ tiến hành thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng thì phát hiện lách của bệnh nhân phát triển quá lớn, nếu không mổ có nguy cơ vỡ rất cao.
Bác sĩ Hòa cho biết, ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ. Các bác sĩ đã cắt bỏ lách u đa nang cho bệnh nhân. “U lách có kích thước khổng lồ hơn 50x35 cm, nặng 5 kg, chiếm hết chiều dài khoang bụng của bệnh nhân. U đa nang lách từ vị trí lách (ngang xương sườn) kéo dài đến rốn, chèn ép tụy, thận và đẩy lá gan lệch hẳn qua phải”, bác sĩ Hòa cho biết thêm.
Theo bác sĩ Hòa, bệnh viện từng tiếp nhận nhiều ca đa nang lách nhưng khối u khổng lồ như bệnh nhân L. là rất hiếm gặp. “Lách là cơ quan góp phần tạo máu và đóng vai trò trong hệ miễn dịch, khi bị cắt bỏ toàn bộ lá lách, bệnh nhân vẫn sống được nhưng dễ suy yếu hệ miễn dịch và có thể thiếu máu. Do đó, bệnh nhân cần theo dõi tình trạng thiếu máu và tiêm phòng đầy đủ để phòng ngừa bệnh”, bác sĩ Hòa cho biết.
Cũng theo bác sĩ Hòa, bệnh đa nang lách được ghi nhận là bệnh lý lành tính, có thể do bẩm sinh mắc phải, chấn thương hoặc nhiễm ký sinh trùng như giun, sán. Khối u có thể lớn dần theo thời gian, nếu phát hiện trễ có thể gây ra những bệnh lý về máu, nhiễm trùng trong nang, có thể tiến triển thành ung thư. Đa nang nách nhỏ không có triệu chứng nên người bệnh ít chú ý tới, thường được phát hiện khi thăm khám sức khỏe. Người bệnh đa nang lách cần được theo dõi khối u theo thời gian và cân nhắc phẫu thuật để tránh các biến chứng.