Hội thảo chống hàng giả với chủ đề “Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và vấn đề an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng” vừa được Cục Sở hữu trí tuệ - Văn phòng đại diện tại TP.HCM phối hợp cùng Công ty Vina CHG tổ chức nhân Ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái Việt Nam 29/11.
Hàng gian, hàng giả đang tung hoành khiến không ít doanh nghiệp điêu đứng. Đặc biệt là dịp cận tết Nguyên đán, hàng gian, hàng giả gần như công khai “tả xung hữu đột” trên thị trường.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Danh - Phó trưởng Ban 389 Bình Dương chia sẻ thực trạng: “Biết sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái, giả mạo nhãn mác nhưng nhiều doanh nghiệp phớt lờ, không lên tiếng. Thậm chí khi lực lượng chức năng phát hiện ra các vụ việc vi phạm cần sự hợp tác để xử lý, doanh nghiệp cũng không nhiệt tình, mặn mà. Đây là một rào cản rất lớn trong hoạt động quản lý, kiểm soát thị trường của cơ quan chức năng”.
Bên cạnh đó, có trường hợp phạt kẻ làm hàng gian, hàng giả chỉ “như cóc bỏ dĩa” vì chế tài yếu, không đủ sức răn đe. “Tình trạng sản xuất hàng giả cứ tái diễn là do chưa có phương thuốc trị hữu hiệu. Thực tế hiện nay, chỉ mới phòng chứ chưa triệt để chống nạn hàng giả… Sau khi bị phát hiện sản xuất hàng giả, nhiều “doanh nghiệp” chỉ bị xử phạt hành chính, rồi họ lại tiếp tục làm hàng giả”, ông Nguyễn Ngọc Tý- Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn phản ánh.
Theo ông Trần Văn Dũng – Tổng Cục Quản lý thị trường, thủ đoạn làm hàng giả ngày càng tinh vi. Không chỉ làm giả hàng sản xuất trong nước mà hiện nay do ảnh hưởng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn có tình trạng hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam xuất sang Mỹ và ngược lại hàng từ Mỹ cũng “đội lốt” hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc.
Các đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự tiếp tay của các đối tượng nước ngoài. Một số mặt hàng vi phạm nổi cộm trong thời gian qua bao gồm: Thực phẩm (mỳ chính, bánh mứt, kẹo, rượu bia, thực phẩm đóng gói, thực phẩm chức năng); Vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi); Dược phẩm; Vật liệu xây dựng; Hàng tiêu dùng, thời trang…
Trong 10 tháng vừa qua, Tổng cục QLTT kiểm tra 141.000 vụ, phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng.
Ông Trần Giang Khuê, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM cho biết, hàng giả không chỉ là vấn nạn của Việt Nam mà còn của các nước, ở đâu có hàng thật uy tín có thương hiệu thì ở đó có hàng giả. Hàng gian, giả, nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ này ảnh hưởng DN chân chính mà còn ảnh hưởng sức khỏe tính mạng người tiêu dùng.
Nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng… tràn lan trên thị trường như căn bệnh kinh niên từ lâu nay, ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng. Trong khi đó, phía doanh nghiệp sản xuất đang đối mặt với không ít khó khăn từ tình trạng này.
Chống hàng giả là cuộc chiến rất cam go cần sự phối hợp của rất nhiều thành phần liên quan, trong đó, người tiêu dùng có vai trò rất quan trong trong việc cung cấp thông tin, phát hiện hàng giả. Bên cạnh đó, theo nhiều doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp mạnh, xử lý thích đáng đối với kẻ gian lận mới hy vọng đủ sức làm “chùn bước” hàng gian, hàng giả.