Sáng 8/8, lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xác nhận Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng đã về nước sau khi được trả hộ chiếu hôm 3/8. Hai nghệ sĩ sẽ làm việc với đơn vị chủ quản trước khi làm văn bản báo cáo Bộ Văn hóa.
Trả hộ chiếu cho 2 nghệ sĩ nhưng giới chức Tây Ban Nha vẫn tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc. Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha và Bộ Ngoại giao sẽ theo dõi, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xử lý vụ việc theo nhiệm vụ và thẩm quyền.
Vậy khi vụ việc vẫn đang được điều tra, 2 nghệ sĩ có bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn hoặc bị hạn chế quyền lợi khi trở về Việt Nam hay không?
Theo luật sư Nguyễn Minh Long (Giám đốc Công ty Luật Dragon), với việc Việt Nam và Tây Ban Nha đã ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự năm 2015, việc quản lý 2 nghệ sĩ và trách nhiệm pháp lý của họ sẽ căn cứ theo hiệp định này.
Về trách nhiệm có mặt nếu bị tòa án triệu tập, luật sư cho biết theo khoản 1, Điều 14 Hiệp định này, nếu cần sự có mặt của một người tại lãnh thổ của bên yêu cầu để cung cấp chứng cứ, thông tin khác, cơ quan tư pháp cần nêu rõ trong yêu cầu tương trợ. Cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu hỗ trợ sẽ mời người đó đến cơ quan chức năng của bên yêu cầu và gửi thông tin liên quan trong thời gian sớm nhất có thể.
Như vậy, nếu Tây Ban Nha yêu cầu 2 nghệ sĩ quay lại để tiếp tục điều tra thì họ phải có mặt tại lãnh thổ quốc gia này theo đúng quy định. Trường hợp giới chức quốc gia này ủy thác cho phía Việt Nam thực hiện lấy lời khai, cung cấp chứng cứ thì 2 nghệ sĩ phải có mặt tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Trường hợp phía Tây Ban Nha yêu cầu có mặt tại lãnh thổ của họ thì việc có được ủy quyền cho luật sư làm việc hay không tùy thuộc vào pháp luật hình sự Tây Ban Nha. Trường hợp triệu tập làm việc tại Việt Nam, việc ủy quyền sẽ áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Theo đó, người bị tố giác không được ủy quyền cho luật sư thay mặt làm việc.
Về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, Điều 3 Hiệp định này quy định phạm vi tương trợ giữa 2 quốc gia, bao gồm các hoạt động như xác định địa điểm và nhận dạng người; tống đạt tài liệu tư pháp; thu thập chứng cứ, lấy lời khai; thực hiện lệnh khám xét và thu giữ; chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hay trao đổi các thông tin về tội phạm... Trong số này, không có tương trợ các biện pháp ngăn chặn.
Như vậy, giới chức Tây Ban Nha không thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn với 2 nghệ sĩ. Ngoài ra, nếu cơ quan chức năng Việt Nam không có quyết định ngăn chặn, Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng sẽ không bị áp dụng bất cứ biện pháp ngăn chặn, hạn chế quyền lợi nào.
Về thẩm quyền giải quyết vụ việc của 2 quốc gia, trích dẫn điểm j, Điều 3 Hiệp định tương trợ, luật sư Long cho biết Tây Ban Nha có quyền chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự cho Việt Nam nếu xác định hành vi của 2 nghệ sĩ có dấu hiệu tội phạm và xét thấy ở Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn để điều tra, truy tố và xét xử tội phạm.
Tuy nhiên, phía Việt Nam sẽ từ chối tương trợ nếu thuộc các trường hợp quy định tại Điều 4 Hiệp định này như hành vi không cấu thành tội phạm theo pháp luật Việt Nam; yêu cầu không phù hợp với điều ước quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam hay việc thực hiện yêu cầu có thể gây phương hại đến chủ quyền, an ninh, trật tự công cộng hay các lợi ích chung thiết yếu khác...