Không nổi tiếng như gà Đông Tảo, nhưng gà Móng nằm trong Sách đỏ vẫn là một trong những loại gà rất đắt hàng và được ưa thích vào dịp Tết Nguyên đán. Cùng với cá kho làng Vũ Đại, chuối Tiến vua, làng hoa Phù Vân… gà Móng là một trong những đặc sản trứ danh ở đất Hà Nam.
Giống gà Móng có tên trong Sách đỏ, được săn đón dịp Tết Nguyên đán
Đặc điểm của gà Móng là mào đen, mắt đen và có nhiều màu lông: đen, đỏ, trắng đen, vàng cũng có. Chân gà có 4 ngón, da đen, xương đen, nội tạng cũng đen, thịt gà thơm ngon, ngọt. Sở dĩ có tên là Móng vì giống gà này là bản địa, được người dân nơi đây phát hiện và nhân giống từ thôn Móng (nay là xã Tiên Phong).
Giống gà Móng được bảo tồn gen, không thuần chủng hay lai tạo, dần dần gà Móng trở nên hiếm do các cá thể tồn tại tự nhiên không còn nhiều. Chính vì vậy, giống gà đặc sản của vùng đồng bằng chiêm trũng này được liệt vào Sách đỏ.
Dù nằm trong Sách đỏ nhưng loại gà này là loài vật duy nhất không bị cấm nuôi, buôn bán, vận chuyển theo quy định về bảo tồn theo cách mới. Chính vì vậy, nhiều bà con tại xã Tiên Phong nhân rộng giống gà quý hiếm này. Đồng thời, mô hình nuôi gà Móng cũng giúp người dân thu lãi cao và có việc làm ổn định.
Điển hình như anh Nguyễn Văn Thắm, chủ trang trại gà Móng Tuyết Thắm. Hàng năm, trang trại của anh nuôi duy trì ổn định hơn 1.000 con gà bố mẹ nhằm bảo tồn gen gốc, khoảng 2.000 con gà thương phẩm để cung ứng ra thị trường dịp cuối năm.
Thông thường gà trống đạt trọng lượng gần 4kg/con, gà mái khoảng 2kg/con là đạt yêu cầu để xuất bán. Hiện giá bán gà Móng dao động từ 120.000 - 200.000 đồng/kg, tùy vào độ tuổi gà. Như vậy, trừ đi phần chi phí, cuối năm gia đình anh Thắm đều thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
“Gà Móng dễ nuôi, cũng chỉ ăn lúa, ngô, khoai, sắn nghiền như các loại gà khác. Cái đặc biệt của gà Móng là thịt chắc, thơm, da giòn nên rất được ưa thích, nhất là vào các dịp lễ Tết”, ông Trần Xuân Xưởng - một chủ trại gà Móng khác chia sẻ. Vào mỗi dịp Tết, thị trường tiêu thụ gà Móng vào giai đoạn sôi động nhất trong năm. Loại gà trống trưởng thành, có dáng đẹp ở Tiên Phong được người dân đổ xô "săn đón". Để tìm được một con gà ưng ý, nhiều người cất công về tận nơi để xem và mua gà.
Ông Xưởng cho biết: “Giống gà Móng có từ thời các cụ xưa để lại. Dân làng cứ để nuôi rồi nhân giống hết đời này qua đời khác. Cũng không ai biết gà này có từ đời nào”.
Địa thế của xã Tiên Phong được bao bọc bởi con sông Châu Giang, ở đây thôn An Mông được ví như một cái đảo hình móng ngựa nhô ra ngoài. Hơn nữa, các hộ nuôi gà ở đây đều quây và giữ gà khá chặt chẽ, vì vậy mà gà Móng ít bị lai tạp và giữ được độ thuần chủng tuyệt đối. Theo thống kê của UBND xã Tiên Phong, hiện nay xã có hơn 95% số hộ nuôi gà, với khoảng hơn 18 nghìn con gà mái đẻ. Hộ ít thì vài chục con, hộ nhiều thì hàng nghìn con theo mô hình trang trại.
Tại Yên Bái, anh Hoàng Huy Tuấn, thôn Đồng Lần, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên đã thành công với mô hình nuôi gà Móng. Từng có kinh nghiệm nuôi gà từ năm 2009, khi đó anh Tuấn cùng với người anh họ ở xã Việt Thành tập trung nuôi gà theo mô hình trang trại, chủ yếu là giống gà Minh Dư với quy mô 15.000 con/lứa. Sau khi tìm hiểu và nghiên cứu các giống gà, nhận thấy giống gà Móng có nguồn gốc từ huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam là loại gà cho chất lượng thịt ngon, thị trường khá ưa chuộng, anh Tuấn quyết định thử nghiệm nuôi giống gà này.
Vốn là người nhanh nhẹn, dám nghĩ dám làm, năm 2022, dồn hết vốn liếng và vay mượn thêm, anh Tuấn mua lại diện tích gần 2 ha đồi gò tại thôn Đồng Lần, xã Cường Thịnh san gạt xây dựng khu chăn nuôi gà an toàn.
Đầu năm 2023, anh Tuấn tìm về các cơ sở chăn nuôi gà ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đặt mua 8.000 con gà giống về nuôi. Sau thời gian 4 tháng, anh Tuấn mua lại toàn bộ số gà của hộ dân và tiếp tục nuôi thêm khoảng 3 tháng nữa để gà đạt trọng lượng rồi mới xuất bán. So với các giống gà khác, gà Móng có trọng lượng lớn và giá thành cũng ổn định. 8.000 con gà xuất bán, anh Tuấn cũng thu lãi hàng trăm triệu đồng, cao hơn nhiều so với nhiều mô hình anh đã thử nghiệm trước đó.