Có một điều đáng buồn là bạo lực học đường đang ngày càng phổ biến. Vậy nên phụ huynh cần trang bị cho mình kiến thức về vấn đề này để có cách xử lý và phòng tránh con bị bạn bè hay chính người thân trong gia đình bắt nạt.
Giáo sư Lý Mai Cẩn – chuyên gia về tâm lý học tội phạm tại Đại học Công an Trung Quốc cho biết tính cách của một đứa trẻ cũng là một trong những yếu tố khiến trẻ dễ trở thành đối tượng mà những kẻ thích bắt nạt nhắm đến. Giáo sư Lý đã chia sẻ rằng “Những đứa trẻ rụt rè và yếu đuối rất dễ bị bạn cùng lớp bắt nạt”.
Thực tế, đứa trẻ sống nội tâm, thiếu tự tin, hay lo lắng thường hay bị bắt nạt hơn những đứa trẻ hướng ngoại và quyết đoán. Phần lớn những kẻ bắt nạt muốn cảm thấy mình mạnh mẽ nên họ thường chọn những đứa trẻ yếu hơn vì dễ thao túng.
Những cách bố mẹ nên làm giúp con tự tin hơn
Cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất để nâng cao vóc dáng và học cách tự vệ
Giáo sư Lý Mai Cẩn đã chỉ ra cách để trẻ không bị bắt nạt và học cách tự bảo vệ chính mình. Đó là cha mẹ nên khuyến khích trẻ rèn luyện thể lực, vóc dáng. Giáo sư cho rằng trẻ dù là con trai hay con gái, cha mẹ đều có thể cho trẻ tham gia một số hoạt động thể chất như chạy bộ, kickboxing,...Điều này không chỉ giúp tăng cường thể chất cho trẻ, giúp trẻ khỏe mạnh hơn mà còn có thể rèn luyện sức mạnh nội lực trong trẻ. Từ đó những kẻ bắt nạt không dám đến gần trẻ.
"Trẻ em phải vận động thể chất, có thể thao thì mới có sức mạnh bùng nổ, có sức mạnh bùng nổ thì sẽ không dễ bị bắt nạt. Những đứa trẻ không bao giờ vận động, thể chất yếu ớt sẽ dễ trở thành đối tượng bị bắt nạt nhất", giáo sư Lý Mai Cẩn chia sẻ.
Dặn trẻ kết bạn nhiều hơn
Không chỉ những những đứa trẻ nhút nhát, những đứa trẻ bị cô lập thường là mục tiêu của những kẻ bắt nạt. Một khảo sát đối với 208 người từng bị bắt nạt cho thấy 72% trong số họ đã thoát khỏi sự bắt nạt trong vòng hai năm. Lý do là họ có thêm nhiều bạn mới.
Việc kết bạn không chỉ giúp trẻ có thêm bạn bè mà còn có thể hỗ trợ trẻ trong những trường hợp cần thiết như khi bị bắt nạt. Thông thường, kẻ bắt nạt sẽ ỷ mạnh để bắt nạt kẻ yếu hơn, tuy nhiên nếu trẻ có thêm bạn bè, đối phương sẽ có thể từ bỏ ý định đó.
Dạy trẻ cách nói "không" và phản kháng
Trong cuộc sống, có những trường hợp chúng ta phải biết nói không và cha mẹ nên dạy trẻ nhận biết điều đó. Từ bé, trẻ nhỏ thường được dạy phải biết vâng lời mà hiếm được dạy về cách để từ chối người khác. Điều này sẽ dẫn đến việc trẻ ngại khước từ hoặc không thể từ chối những đòi hỏi từ người khác đối với mình. Đối với những đứa trẻ yếu ớt, dễ bị tổn thương thì điều này dễ khiến trẻ bị đối xử bất công hơn trong cuộc sống.
Vì vậy, cha mẹ nên dạy trẻ trong hoàn cảnh nào thì nên từ chối yêu cầu của đối phương. Khi trẻ gặp phải điều gì không thích, hay vô lý tự tin bày tỏ sự từ chối. Từ đó, trẻ sẽ học được cách thể hiện rõ lập trường của bản thân. Những đứa trẻ học được điều này ít khi bị người khác bắt nạt. Thậm chí ngay cả khi trẻ bị bắt nạt, chúng vẫn biết cách thể hiện khí thế, lòng dũng cảm và kiên quyết chống trả để đối phương biết rằng mình không dễ bị bắt nạt. Có như vậy mới tránh được việc bị bắt nạt xảy ra thường xuyên.
Việc cha mẹ dạy trẻ nói không và học cách phản kháng không phải là dạy trẻ sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề mà là dạy trẻ học cách tự bảo vệ mình.
Hãy dạy trẻ cách tự vệ và tâm sự cùng cha mẹ
Từ những năm đầu đời, hãy khuyến khích trẻ chia sẻ cảm xúc
Ngay từ nhỏ, cha mẹ nên dạy trẻ cách thể hiện, kiểm soát và hiểu về những cảm xúc của mình. Hãy kiên nhẫn lắng nghe trẻ chia sẻ về cảm xúc, bày tỏ sự quan tâm, đồng cảm và đưa ra những định hướng cho bé. Cách làm này giúp trẻ hình thành thói quen chia sẻ với gia đình.
Nói về cảm giác an toàn và không an toàn
Trẻ thường khó phân biệt giữa an toàn và không an toàn hoặc không nhận thức được thế nào là không an toàn. Phụ huynh cần giải thích, hướng dẫn trẻ. Từ đó, mỗi khi cảm thấy không an toàn, trẻ có thể nói chuyện với cha mẹ hoặc người lớn ngay lập tức.
Dạy trẻ những dấu hiệu bất thường của cơ thể
Phụ huynh hãy dạy trẻ nhận biết một số cảnh báo không an toàn của cơ thể như đau bụng, tim đập nhanh... Và khi cơ thể bé xuất hiện những trạng thái đó, hãy nhắc nhở trẻ thông báo ngay cho cha mẹ và người lớn.
Giúp trẻ chọn 3 đến 5 người lớn đáng tin cậy để chia sẻ
Phụ huynh nên chọn những người đảm bảo an toàn tuyệt đối, có thể thay cha mẹ trong trường hợp khẩn cấp. Người được chọn có thể không phải là thành viên trong gia đình hoặc là người trẻ có thể dễ dàng tiếp cận khi gặp nguy hiểm như cảnh sát.
Dạy con tôn trọng cơ thể của người khác
Điều này có nghĩa là nếu con bạn muốn chạm vào người khác như nắm tay, ôm... thì cần xin phép. Và nếu những người khác nói "không", trẻ cần tôn trọng, thực hiện theo quyết định của đối phương. Dạy con tôn trọng cơ thể người khác cũng là đang dạy chúng tôn trọng chính cơ thể mình.
Từ khi trẻ còn nhỏ, hãy gọi đúng tên bộ phận sinh dục của bé
Ngay từ nhỏ, phụ huynh cần đảm bảo trẻ nắm rõ các bộ phận riêng tư trên cơ thể, bao gồm cả miệng. Hãy giải thích với con bạn rằng, riêng tư nghĩa là chỉ dành riêng cho trẻ. Vì vậy, nếu có người muốn chạm vào bộ phận riêng tư của bé, hoặc cho bé xem hình ảnh về những bộ phận đó, hãy từ chối bằng cách nói "Không", "Dừng lại" và báo với người lớn ngay lập tức.
Xóa bỏ định kiến giới
Phụ huynh nên phá vỡ định kiến giới trong suy nghĩ của trẻ ngay khi chúng còn nhỏ. Chẳng hạn, bạn hãy chỉ ra rằng không có đồ chơi bé gái bé trai mà chỉ có đồ chơi trẻ em. Khi bàn luận về một cô gái, hãy tập trung vào phẩm chất của cô ấy như thông minh, vui tính..., ít nói về ngoại hình. Với các chàng trai, nói ít về năng lực thể chất, thay vào đó hãy nhìn vào phẩm chất như tốt bụng, bao dung...
Việc xóa bỏ định kiến giới và bất bình đẳng giới sẽ làm giảm bạo lực và quấy rối tình dục, đặc biệt là đối với phụ nữ.