Ngày 20/2, Đại tá Phan Văn Nhẫn, Trưởng Công an huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) xác nhận: Hiện Công an huyện đã cử một tổ công tác ra Đà Nẵng làm việc với anh Lâm Anh Đạt (24 tuổi, trú thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành) – shipper tố bị vợ chồng ông Trương Đình Nhạt (trú xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa) đánh gãy 2 tay khi đi giao hàng.
Theo Đại tá Nhẫn, tổ công tác sẽ chờ kết quả giám định tỉ lệ thương tật đối với anh Đạt. "Khi có kết quả, tùy theo mức độ, chúng tôi sẽ xem xét xử lý", đại tá Nhẫn.
Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Nguyễn Đăng Vinh cho biết, huyện đã chỉ đạo cho công an khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm vụ việc kể trên. “Nếu quá trình điều tra phát hiện có dấu hiệu phạm tội sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can”, ông Vinh nói thêm.
Sáng 20/2 trao đổi với PV, chị Lâm Thị Thúy Viên (chị ruột của anh Đạt) cho biết: Hôm qua (19/2), Đạt đã trải qua ca mổ kéo dài 2 tiếng đồng hồ để sắp xếp và cố định xương hai cánh tay. Hiện Đạt còn yếu, ăn ít, cánh tay bầm đen, mọi sinh hoạt đều được người nhà hỗ trợ. Các bác sĩ Bệnh viện Quân y C17 (TP Đà Nẵng) vẫn đang theo dõi, điều trị.
“Đến sáng nay (20/2) chỉ mới có hai chị dâu của ông Trương Đình Nhạt thăm hỏi. Vợ chồng ông Trương Đình Nhạt vẫn chưa gọi điện hay liên lạc trực tiếp đến gia đình cũng như nói lời xin lỗi. Gia đình mong muốn pháp luật vào cuộc làm rõ nguyên nhân, đúng người đúng tội. Về phía Công an huyện Tư Nghĩa cũng đang làm việc với Đạt”, chị Viên nói.
Trong khi đó, Bệnh viện Quân y C17 cho hay, để phục hồi và có thể bắt đầu làm việc nhẹ, Đạt phải mất tới 6 tháng.
Luật sư lên tiếng
Liên quan đến vụ việc kể trên, ngày 20/2, trao đổi với Tiền Phong, luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng, nếu nguyên nhân và diễn biến đúng như nội dung nạn nhân trình báo thì hành vi của ông Trương Đình Nhạt là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bổ sung 2017.
Theo anh Lâm Anh Đạt, sự việc xảy ra vào khoảng 11h ngày 17/2, Thời điểm đó, anh Đạt đến nhà ông Trương Đình Nhạt (trú thôn 1, xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa) để giao đơn hàng là 2 cây hoa đỗ quyên với phí 230.000 đồng.
Khi ông Nhạt không chịu nhận hàng, anh Đạt nói nếu không nhận hàng thì phải trả phí giao hàng. Lời qua tiếng lại, ông Nhạt đấm đá vào người anh Đạt và dùng bình hoa đập vào đầu anh.
Sau đó vợ ông này chạy ra kéo cửa cổng nhà, rồi hai vợ chồng dùng tuýp sắt và ghế inox thay nhau đánh anh Đạt.
Các bác sĩ kết luận anh Đạt bị gãy đầu dưới thân xương trụ phải (gãy 2 vị trí); gãy lồi cầu xương cánh tay trái và mỏm khuỷu xương trụ trái (gãy 3 vị trí).
Người phạm tội trong trường hợp này không chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý hình sự (hình phạt) mà còn phải chịu trách nhiệm pháp lý dân sự (bồi thường thiệt hại cho người bị hại do sức khỏe của họ bị xâm phạm).
Theo luật sư Tuấn, cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra, làm việc với các bên liên quan để làm rõ các tình tiết và căn cứ và mức độ lỗi, hành vi. Đặc biệt là kết quả giám định tỷ lệ thương tật của người bị hại (anh Đạt) để xem xét có đủ căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không.
“Ngoài ra, theo trình báo của anh Đạt thì vợ của ông Trương Đình Nhạt cùng tham gia đánh anh nên cơ quan công an cũng sẽ điều tra, làm rõ hành vi, vai trò của người này như thế nào để xử lý theo quy định của pháp luật”, luật sư Tuấn nói.
“Theo quy định tại Điều 134, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Mức phạt cao nhất của tội này đến 20 năm tù hoặc chung thân”, luật sư Tuấn nói thêm.