Liên bộ Tài Chính - Công Thương vừa thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, bắt đầu áp dụng từ 15h hôm nay (21/6). Theo đó, giá xăng E5 RON92 và xăng RON95 giữ nguyên so với hiện hành, lần lượt không cao hơn 20.878 đồng/lít và 22.015 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 146 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành, không cao hơn 18.174 đồng/lít; dầu hỏa tăng 133 đồng/lít, không cao hơn 17.956 đồng/lít và giá dầu mazut giảm 132 đồng/kg, không cao hơn 14.587 đồng/kg.
Ở kỳ điều hành hôm nay, cơ quan chức năng trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 RON92 ở mức 191 đồng/lít (kỳ trước 228 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 139 đồng/lít (kỳ trước 180 đồng/lít); dầu diesel ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước 200 đồng/lít); dầu hỏa ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước 200 đồng/lít); dầu mazut ở mức 100 đồng/kg (kỳ trước 200 đồng/kg).
Đồng thời, không chi quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu.
Cơ quan chức năng cho biết, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 12/6/2023-21/6/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Việc cắt giảm nguồn cung từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+); xuất khẩu và sản lượng dầu của Iran tăng bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ; Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất trong kỳ điều chỉnh tháng 6/2023 sau 10 lần tăng liên tiếp trước đó; những lo ngại nhu cầu năng lượng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu…
Các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 18 lần điều chỉnh, trong đó có 9 lần tăng, 6 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Trước đó, chiều 20/6 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm về tình hình nguồn cung ra thị trường và thảo luận các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung trong những tháng cuối năm 2023.
Bộ trưởng ghi nhận các doanh nghiệp đầu mối nhìn chung đều chấp hành khá nghiêm túc các quy định của pháp luật trong cung ứng, kinh doanh xăng dầu; nhiều doanh nghiệp đầu mối đã nỗ lực hoạt động, chủ động vượt khó để cung ứng tương đối kịp thời, đầy đủ xăng dầu cho hệ thống phân phối.
Hai doanh nghiệp sản xuất (Bình Sơn, Nghi Sơn) có nhiều nỗ lực trong vận hành, khai thác vượt công suất để cung ứng ra thị trường với sản lượng đã cam kết.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng nguồn cung xăng dầu từ 2 nguồn nhập khẩu, sản xuất 5 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 9,779 triệu m3/tấn (nhập khẩu chiếm 42,64%, sản xuất trong nước chiếm 52,36%) và lượng tồn kho khoảng 1,577 triệu tấn/m3, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, phục vụ sản xuất của người dân và doanh nghiệp.