Trong kỳ điều hành giá ngày 11/7 vừa qua, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu chính thức được áp dụng, từ 300 – 1.000 đồng/lít, giá xăng dầu chính thức "hạ nhiệt" sau 17 kỳ điều chỉnh (13 lần tăng giá, 4 lần giảm giá).
Đến kỳ điều hành ngày 21/7, nhờ giá dầu thế giới giảm cùng với việc chi quỹ Bình ổn giá xăng dầu từ 100 – 1.500 đồng/lít, cộng thêm mức giảm của thuế BVMT, giá xăng dầu trong nước đã giảm mạnh, từ mức hơn 30.000 đồng/lít, xuống còn hơn 25.000 đồng/lít.
Tuy nhiên, xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu, có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội của người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, vi mô đến thói quen chi tiêu của người tiêu dùng, nên Bộ Tài chính tiếp tục có đề xuất, trình Chính phủ điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu (MFN) đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ 20% xuống 10%.
Cũng bởi là mặt hàng chiến lược nên trong cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá 6 tháng đầu năm 2022 và định hướng công tác quản lý, điều hành giá 6 tháng cuối năm 2022 vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục tính toán phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu.
Như vậy, trong thời gian tới, giá xăng dầu được dự báo sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng có lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân. Đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, trên thực tế, ghi nhận của phóng viên Gia đình & Xã hội, trong hơn 20 ngày qua, dù giá xăng dầu giảm liên tiếp và giảm sâu ở kỳ kề cận nhưng giá cả hàng hóa không có dấu hiệu giảm theo xăng dầu. Thậm chí là "nhích" lên từng ngày. Đơn cử như giá lợn hơi.
Tại Hà Nội, Hưng Yên, Phú Thọ, giá lợn hơi đang dao động từ mức 69.000 – 71.000 đồng/kg, tùy loại nhưng tại xã Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) – nơi được coi là thủ phủ đầu mối gia cầm, gia sức lớn nhất miền Bắc, giá lợn hơi đã chạm ngưỡng 74.000 đồng/kg (giá tại chợ đầu mối).
Đối với mặt hàng thực phẩm xanh, thực phẩm tươi như thịt gia cầm, gia súc, hải sản… giá bán lẻ tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh vẫn "cố thủ".
Cụ thể, tại chợ Chính Kinh (Thanh Xuân), chợ Nam Trung Yên (KĐT Nam Trung Yên, Cầu Giấy), chợ Ngã Tư Sở (Đống Đa)… rau muống, mồng tơi, rau rền, rau ngót đều dao động ở mức 10.000 – 12.000 đồng/bó; mướp hương, khổ qua và đỗ đũa dài đang được bán với giá từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Riêng rau gia vị như thì là, hành lần lượt là 50.000 – 55.000 đồng/kg.
Với mặt hàng thịt lợn, do giá lợn hơi đang tăng, cộng thêm chi phí vận chuyển tăng nên giá bán lẻ tại các chợ đang ở ngưỡng 140.000 – 145.000 đồng/kg ba chỉ.
Giá xăng giảm nhưng nhìn chung, giá hàng hóa thiết yếu chưa có dấu hiệu sẽ giảm theo xăng. Điều này đã khiến không ít người dân, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp đến trung bình phải "oằn mình" cho chi tiêu hàng ngày.
Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, mặc dù giá xăng dầu giảm nhưng hàng hóa sẽ phải điều chỉnh giá theo xu hướng giá chung.
Theo ông Thịnh, dù giá xăng dầu giảm liên tiếp 2 kỳ (trong 10 ngày), song cũng rất khó để điều chỉnh giá hàng hóa, chi phí vận chuyển, vận tải xuống theo giá xăng chỉ trong 10 ngày. Bởi trong chi phí sản xuất, xăng dầu chiếm khoảng 3,25% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế.
Do đó, giá xăng dầu giảm 2 kỳ vừa qua, chúng ta chưa thể kỳ vọng sẽ có đợt giảm giá hàng hóa tương ứng. Có thể, giá xăng dầu giảm liên tiếp từ 1 – 2 tháng, khi đó mới tác động đến hàng hóa bán ra thị trường.
Đồng thời, nếu các biện pháp quản lý giá được thực hiện chặt chẽ, thì giá cả hàng hóa tăng – giảm sẽ đi theo quy luật của thị trường.
Trước diễn biến giá thịt lợn và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng cao thời gian gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan và các địa phương thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá;
Khẩn trương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thịt lợn trên thị trường để thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá theo quy định, bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi, không để thiếu hụt thịt lợn, giá thịt lợn tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô;
Kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu thịt lợn qua biên giới; quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, cơ quan liên quan chủ trì kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng.