Bức ảnh đáng yêu ghi lại khoảnh khắc cậu bé nhặt ve chai ở nhà thờ Đức Bà đang sắp xếp lại dép cho các bạn học sinh đi dã ngoại, bất chợt khiến người ta mỉm cười vì sự hồn nhiên của trẻ thơ.
Nhưng cũng chính cái hình ảnh vô tư của em bé đó làm nhiều người lớn phải giật mình nhận ra rằng đôi khi có những điều chúng ta học được từ một đứa trẻ.
Người mẹ mồ côi từng muốn bỏ con vào trại trẻ
Buổi trưa ngày chủ nhật, tôi đến Bưu điện Thành phố để tìm gặp cậu nhóc trong tấm ảnh.
Chú bảo vệ quán ăn gần đó cười bảo: "Ngày nào mẹ con nó cũng qua đây, thằng nhóc lanh lợi lắm, ai cũng mến. Ngồi đợi một xíu đi, chắc mẹ con nó sắp đến rồi đó".
Gần 11h trưa, một người phụ nữ đen nhẻm tay cầm bao tải dẫn theo một cậu nhóc đi về hướng bưu điện.
Người mẹ ngồi xuống gốc cây trò chuyện với tôi, trong lúc cậu nhóc tung tăng bay nhảy hết chỗ này đến chỗ khác, dường như chẳng lúc nào đứng yên một chỗ. Chị Nguyễn Thị Phương Linh (26 tuổi, Quảng Ngãi) bảo, thằng bé mới 5 tuổi thôi mà hiếu động lắm.
Tôi bắt đầu câu chuyện bằng việc kể cho chị nghe về tấm ảnh đang nổi như cồn trên mạng xã hội. Chị Linh cười bảo: "Hôm bữa có chú nào đó chụp hình của bé rồi đăng lên mạng.
Người nhà tôi ở dưới quê gọi vào hỏi ủa sao hai mẹ con đi lượm ve chai. Tôi giấu, không cho dưới quê biết mình đi lượm ve chai, sợ mọi người lo lắng. Giờ thì cả nhà đều biết rồi."
Chị vào Sài Gòn đã 6 năm nay, trước đó chị làm công nhân, nhưng thời gian gần đây công ty gặp vấn đề nên chị chuyển sang đi nhặt ve chai và làm mướn theo giờ để kiếm sống.
Còn thằng nhóc, nó tên là Nguyễn Danh Thành Đạt (5 tuổi) - một cái tên mang thật nhiều sự kỳ vọng. "Cái tên này là do bà cố nuôi đặt cho nó.
Tôi với chồng chia tay nhau lâu rồi, anh ấy suốt ngày chỉ biết rượu chè, cờ bạc, không biết làm việc để chăm lo cho gia đình" - chị Linh chạnh lòng khi nhắc về cha của Đạt.
Chị Linh vốn mồ côi cha mẹ, được một gia đình người Quảng Ngãi nuôi nấng. Khi ly hôn với chồng, nhóc Đạt cũng chỉ mới 1 tháng tuổi, chị Linh ẵm bé vào trại trẻ mồ côi với mong muốn gạt bỏ gánh nặng, quên đi quá khứ.
"Nhưng khi đến nơi, nhìn những đứa nhỏ trong trại, tôi không đành lòng để con ở lại.
Thế là quyết định đưa con về, bằng giá nào cũng phải nuôi nó khôn lớn, không để nó phải chịu cảnh mồ côi giống như bản thân mình đã từng phải trải qua" - chị Linh nói.
"Đi học được cô giáo dạy phải ngăn nắp, về nhà nó làm y chang"
Nhóc Đạt càng lớn càng lanh lợi, chị Linh đi làm công nhân, góp nhặt từng đồng cũng đủ tiền để cu cậu đến trường học như chúng bạn. Chị vui vẻ khoe: "Đi học được cô giáo dạy phải ngăn nắp, lịch sự là về nhà làm y chang.
Quần áo là tự xếp bỏ vào tủ, bộ nào đi chơi xếp riêng, bộ nào đi học xếp riêng, bộ nào đi lượm ve chai cũng xếp riêng.
Giày dép cũng vậy, đôi nào cũng phải xếp gọn gàng. Ăn cơm xong là tự động đem chén đi rửa chứ không đợi mẹ nhắc".
Đạt rụt rè trả lời: "Con đâu có để dép vào trong tấm bạc đâu, con để ở ngoài mà!". Tôi tiếp: "Ừ thì con xếp ở bên ngoài, nhưng xếp cho ngay ngắn hơn đúng không?". Thằng nhỏ gật gật đầu, cười cười rồi chạy đi chơi.
Chị Linh kể thêm, nhóc Đạt thường vậy, đi nhặt ve chai cùng mẹ mà thấy rác là cu cậu lại đem đến thùng rác để gọn gàng. Đạt hiếu động nhưng biết nghe lời nên rất được lòng các cô chú ở khu vực bưu điện thành phố.
Thu nhập chỉ đủ chi tiêu hằng ngày, nên nhóc Đạt phải nghỉ học. Chị kể: "Mấy tháng trước tôi nói với con là nhà không còn tiền, thôi con nghỉ học, mai mốt có tiền mẹ lại cho con đi học, thằng nhỏ cứ khóc đòi đi học miết".
Chị cười kể: "Sáng nay nó nói với tôi là: Mẹ ơi bữa nay Chủ nhật thôi mẹ con mình nghỉ đi lượm ve chai một bữa, mẹ con mình đi chơi đi. Tôi nói vậy thôi bữa nay con ở nhà chơi đi, để mẹ đi lượm một mình. Nó xị mặt, rồi hai mẹ còn đi lượm chung luôn, khỏi nghỉ chủ nhật".
Tôi hỏi: "Chị có bao giờ giận hay oán trách chồng mình không?". Chị lau vội giọt nước mắt, rồi lắc đầu: "Không!".
Trời cũng đã quá trưa, hai mẹ con lại tiếp tục cuộc mưu sinh của mình. Giữa chốn thị thành, hai mẹ con tựa vào nhau sống những ngày bình dị mà vui đến lạ. Ngày cuối tuần chỉ có mẹ và con.