Mỗi khi dịp Tết đến, các gia đình lại bắt đầu dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa thật đẹp và rực rỡ với những cây cảnh, lọ hoa, chậu hoa. Tuy nhiên, có một số loại hoa ẩn chứa độc tố nguy hiểm, dù không gây hại khi ngửi hay để trưng bày nhưng nếu vô tình ăn phải có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, thậm chí là mất mạng.
Điền hình như vụ việc xảy ra vào tháng 10/2013 khi 4 nhà sự ở Tịnh xá Kỳ Quang, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng đã hái hoa loa kèn để ăn lẩu dẫn tới ngộ độc.
Dưới đây là những loại hoa ẩn chứa độc tố nguy hiểm mà mọi người cần lưu ý trước khi sử dụng trong dịp Tết và để xa chúng khỏi tầm tay của trẻ nhỏ.
1. Hoa loa kèn
Hoa loa kèn được nhiều người yêu thích nhưng năm 2014, dược sĩ Phan Minh Hiển, Đại học Y Dược TP.HCM, từng thực hiện một nghiên cứu để tìm hiểu về thành phần hóa học của hoa loa kèn. Loại hoa được chọn nghiên cứu là loa kèn màu vàng tại Đà Lạt có tên khoa học là Brugmansia aurea Lagerh.
Kết quả phân tích, chiết xuất cho thấy trong hoa loa kèn có chứa chất gây ảo giác Scopolamine. Chỉ cần uống một giọt độc dược chiết xuất từ chất Scopolamine của hoa loa kèn, nạn nhân có thể bị mất trí nhớ và mất tri giác tạm thời.
Chỉ cần hấp thụ một lượng nhỏ Scopolamine có thể gây ngộ độc. Vì thế mọi người không nên tùy ý hái bất kỳ bộ phận nào của cây loa kèn để ăn hay uống. Khi bị ngộ độc, nhẹ thì cảm thấy khô miệng, khó nuốt, giảm tiết dịch ở phế quản, giãn đồng tử, nặng có thể bị lú lẫn, hoang tưởng, dễ bị kích thích.
2. Hoa đỗ quyên
Hoa đỗ quyên là thành viên của chi Rhododendron, chúng phần lớn có nguồn gốc ở châu Á. Hoa đỗ quyên được cảnh báo là rất độc vì tất cả các bộ phận của nó đều chứa chất độc. Ví dụ như độc tố trên cánh hoa gồm andromedotoxin và arbutin glucoside.
Triệu chứng đầu tiên khi bị ngộ độc hoa đỗ quyên là buồn nôn, mệt mỏi, khó thở, chảy nước dãi, ói mửa. Ngoài ra, người bị ngộ độc hoa còn có thể bị mất cân bằng, xây xẩm do chóng mặt.
3. Hoa thủy tiên
Hoa thủy tiên có tên khoa học là Narcissus tazetta L, thuộc họ thủy tiên Amaryllidaceae. Loại hoa này có nguồn gốc nhập từ Nhật Bản và Trung Quốc, thường trồng vào dịp tết để làm cảnh vì hoa đẹp và thơm.
Mặc dù đẹp và được nhiều người chọn trưng bày nhưng hoa thủy tiên có phần thân rễ có tác dụng mạnh và chứa độc. Trong rễ thủy tiên có chứa khoảng 0,06% narcissin. Chất độc này nếu dùng với liều lượng nhỏ cho chó, mèo có thể gây chảy nước bọt, với liều lớn có thể gây nôn mửa, ỉa chảy.
4. Hoa cẩm tú cầu
Hoa cẩm tú cầu mọc nhiều ở khu vực Đông Á (từ Nhật Bản đến Trung Quốc), Nam Á, Đông Nam Á (Hymalaya, Indonesia) và Châu Mỹ...
Tại Việt Nam, cẩm tú cầu được trồng nhiều ở Đà Lạt, đặc điểm loài hoa này có lá to, hoa mọc thành chùm ở đầu cành, hoa màu hồng, trắng, tím rất đẹp. Vì vậy có không ít người chọn trồng cẩm tú cầu trưng trong nhà.
Tuy nhiên mọi người cần lưu ý bởi loại hoa này cũng rất nguy hiểm. Hoa và lá tú cầu chứa độc chất cyanogenic glycoside. Nếu không may ăn phải, chất độc sẽ khiến bạn đau bụng trong vài giờ, tiêu chảy, ói mửa, thở gấp, sau đó, bạn sẽ toát mồ hôi, ngứa da và rơi vào trạng thái hôn mê.
5. Hoa tuy-lip
Hoa tuy-lip nổi tiếng thế giới cũng rất được ưa chuộng ở Việt Nam, nó được trồng nhiều ở Đà Lạt và nơi có khí hậu lạnh. Hoa tuy-lip rất đẹp nhưng củ cây của hoa tuy-lip có chất tulipene. Khi ăn phải sẽ gây chóng mặt, buồn nôn. Vì vậy nếu cắm hoa tuy-lip trong nhà nên chú ý tránh xa tầm tay trẻ nhỏ, nhất là phần củ của cây hoa tuy-lip. Nếu có người bị dính phải chất độc của cây, cần gọi cho cơ sở y tế gần đó nhất để xử lý và nhanh chóng đưa người bị ngộ độc đến nơi được chữa trị.
6. Hoa trúc đào
Đây là loại cây có hoa rất đẹp nên được trồng khá nhiều để làm cảnh. Nhưng hoa trúc đào có độc tố mạnh và chất này có ở mọi thành phần của cây, có thể gây hại mắt khi bị tác động hoặc tử vong nếu tiếp xúc trực tiếp. Vì trúc đào còn chứa những hợp chất nguy hiểm như strychnin nên chỉ cần nhai một lá trúc đào cũng đủ gây nguy hiểm cho trẻ em và nhai 10-20 lá là gây nguy hiểm cho người lớn.
Các triệu chứng ngộ độc khi ăn phải trúc đào thường là buồn nôn, nôn, tiêu chảy có thể ra máu, đau bụng, loạn nhịp tim, trụy tim, tụt huyết áp, lạnh người do tuần hoàn máu không ổn định. Từ đó dẫn đến các rối loạn hệ thần kinh trung ương, thiếu oxy lên não, hôn mê và dẫn đến tử vong. Nhựa trúc đào gây rát da, rát mắt, viêm da.
7. Hoa hồng môn
Cây hồng môn được trồng ở nhiều nơi trên Thế giới và sử dụng khá phổ biến trong trí nhà cửa. Tuy nhiên, hồng môn lại là loài thực vật toàn thân cây có độc, chúng chứa saponin và các tinh thể oxalat canxi có thể xâm nhập vào các lớp màng niêm mạc tiêu hóa gây ra cảm giác đau rát.
Các chất độc trong cây gây độc với tất cả các loài động vật có vú, nhai miếng lá có thể gây sưng ở miệng và kích ứng ở cổ họng. Lá hoặc bộ phận khác của cây đem sát vào da người gây phát ban và rộp mụn nước.