Điều trị Covid-19 tại nhà, ngoài việc đảm bảo vệ sinh, cách ly... phương pháp phổ biến nhất mà các F0 thực hiện là dùng thuốc theo hướng dẫn và thực hiện xông hơi.
Tuy nhiên, dùng thuốc gì, xông hơi như thế nào cho đúng thì không phải ai cũng biết. Đặc biệt, có nhiều mẹ thậm chí còn bế cả con nhỏ mấy tháng tuổi đưa lại gần nồi nước xông để tiến hành xông hơi cho con mau khỏi gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Về vấn đề các loại thuốc cần thiết (cả uống và xông) có thể dùng điều trị COVID-19 tại nhà, BSCKI Chu Quang Liên - Trưởng khoa Nội - Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc đã có những chia sẻ cụ thể.
Bác sĩ Liên cho biết, các bệnh nhân COVID-19 được chỉ định điều trị tại nhà thường không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ cần chuẩn bị một số loại thuốc như sau:
- Thuốc hạ sốt có chứa thành phần paracetamol với liều dùng từ 10-15mg/kg cân nặng sử dụng khi sốt từ 38,5 độ C trở lên, thời gian từ 4-6 giờ/viên nếu sốt lại.
- Các loại vitamin C, vitamin tổng hợp.
- Nước muối sinh lý dùng để súc họng.
- Chuẩn bị một số loại thảo dược có tinh dầu để xông phòng đã được Bộ Y tế khuyến cáo như tỏi, sả, gừng, tía tô, bạc hà, chanh.
Tuy nhiên, đối với biện pháp xông, chỉ nên xông ở phòng, không nên xông trực tiếp vào cơ thể để tránh tình trạng ra mồ hôi, mất nước cho người bệnh.
Ngoài ra, có 3 nhóm người không nên xông, bao gồm: Phụ nữ có thai; trẻ em dưới 30 tháng tuổi; những người có tiền sử sốt cao, co giật hoặc động kinh.
“Người bệnh mắc COVID-19 điều trị tại nhà có thể xuất hiện thêm các triệu chứng khác. Tùy từng triệu chứng có thể sử dụng thuốc khác nhau, vì vậy, cần sử dụng thuốc đúng mục đích, đúng loại thuốc cho từng triệu chứng khác nhau dưới sự tư vấn của bác sĩ”, bác sĩ Liên nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về tình trạng F0 xông tại nhà, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TP. HCM, xông là phương pháp hỗ trợ trị các bệnh đường hô hấp mà đông y, tây y đều dùng.
Theo Chủ tịch Hội Y học TP. HCM, F0 xông tại nhà là tốt nhưng phải lưu ý, tránh dùng nước quá nóng. Nhiệt độ của nước xông chỉ nên khoảng 60 độ C, lúc bắt đầu xông, đổ vào bình xông khoảng 2/3 nước nóng, 1/3 nước lạnh là hợp lý.
Về tinh dầu xông, đơn giản nhất là nhỏ vào bình xông vài giọt dầu gió, có tác dụng sát trùng nhẹ. Không nên nhỏ quá nhiều dầu vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến niêm mạc đường hô hấp.
Còn theo Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM thì cần lưu ý tới tần suất xông, không phải xông càng nhiều càng tốt.
Có 2 kiểu xông là xông giải cảm và xông mũi họng. Xông giải cảm là trùm chăn lại để hơi nóng và tinh dầu từ bình xông/nồi xông giúp vã mồ hôi, nhân tiện xông luôn mũi họng.
Với người chưa bệnh, chỉ xông để dự phòng, ví dụ như các F1 hay người ở vùng nguy cơ thì có thể xông mũi nhẹ nhàng 2-3 ngày/lần. Người đã có các triệu chứng bệnh hô hấp thì dùng phương pháp xông giải cảm.
Theo vị lương y này, dù dùng lá hay dùng dầu chỉ dùng mức độ vừa phải. Nếu thấy cay đến mức chảy nước mắt hay ngửi thấy nồng thì chỉ có hại. Xông quá nhiều, quá đậm đặc tinh dầu thường gây tổn thương niêm mạc mũi, liệt khứu giác (mất mùi).
"Một lưu ý nữa là việc xông ra mồ hôi thường gây mất nước, phải uống bù ngay. Không bù nước kịp thời có thể tụt huyết áp, rối loạn điện giải; nếu có sẵn bệnh tim mạch mà không hay, thậm chí có thể dẫn đến trụy mạch", Lương y Đinh Công Bảy khuyến cáo.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung cho biết thêm, trong bệnh Covid-19, điều quan trọng là súc họng giúp làm sạch vùng hầu họng chứ không phải xông. Có thể mua nước muối sinh lý ở nhà thuốc để súc họng hoặc tự pha với công thức 2 muỗng cà phê muối hòa vào 1 lít nước.
Nếu súc họng thì chỉ cần hòa tan muối vào nước đun sôi để nguội, nếu muốn dùng để rửa mũi thì dung dịch nên được lọc lại bằng bông gòn sạch.