Thế nhưng, trở ngại lớn nhất để Bin đến trường không do hoàn cảnh mà xuất phát từ việc bé chưa có tấm "giấy thông hành vào đời": khai sinh.
Nguy cơ thất học
"Con thương ai nhất?", "Con thương má nhất"... Bên trong căn trọ ọp ẹp, hai má con bà Lê Thị Kim Dung quấn quýt, thủ thỉ với nhau. Nói rồi đứa bé âu yếm "thơm" một cái thật sâu lên gương mặt khắc khổ, sương gió của má.
"Nó là đứa con trên trời rơi xuống" - bà Dung xoa đầu Bin rồi kể: Trước đây, bà ở trọ tại phường 2, quận Phú Nhuận (TP.HCM). Đầu năm 2017, bà H. cùng xóm trọ có thuê bà Dung giữ giúp đứa con chưa đầy 7 tháng tuổi.
"Bà H. sống cùng xóm trọ với tôi, sinh con một mình, bà ấy rất ít khi ở nhà. Bả nói là gửi con nhờ tôi giữ giúp để đi làm kiếm tiền, nhưng gần như giao luôn con cho tôi, lâu thiệt lâu mới về nhà thăm. Bà H. trả tiền cho tôi được đâu ba lần rồi từ đó lặn mất tăm, không ai liên lạc được. Giờ không lẽ bỏ đứa nhỏ, cháu có tội tình gì đâu, nên tôi giữ nuôi luôn. Tôi đặt tên cháu là Lê Tiến Bin theo họ tôi", bà Dung kể về nguyên nhân nhận nuôi đứa con không máu mủ.
Cuối năm trước, gia đình bà Dung chuyển trọ sang phường 2, quận Bình Thạnh và sống cho đến nay. Căn phòng thuê không quá 20m2 là nơi sinh hoạt của má con bà Dung cùng con ruột và đứa cháu gái.
Ở tuổi 62, mỗi ngày bà Dung vẫn phải đến quán ăn chạy bàn, rửa chén mướn để phụ giúp đứa con trai trang trải tiền nhà và sinh hoạt phí. Bữa đói bữa no, hoàn cảnh khốn khó nhưng con cái bà Dung không hề than phiền việc mẹ mình nuôi thêm một miệng ăn nữa.
Bin lớn lên mỗi ngày trong tình yêu thương vô điều kiện của má Dung, của anh chị em và của cả những người hàng xóm tốt bụng. Nhưng rồi khó khăn đầu đời ập đến khi Bin đến tuổi đi học.
"Tôi chở Bin đến một trường học ở Bình Thạnh thì nhà trường nói phải có giấy khai sinh mới xin nhập học được. Cán bộ phường 2, quận Bình Thạnh hướng dẫn tôi làm đơn tường trình rồi nhờ phường 2, quận Phú Nhuận xác nhận để làm thủ tục khai sinh cho Bin. Nhưng phường 2, quận Phú Nhuận lại nói phải tìm được mẹ Bin. Cái này quá khó, bà ấy bỏ đi nhiều năm nay, ngay cả người thân của bà ấy còn không biết đang ở đâu, làm gì", bà Dung ngán ngẩm nói.
Một đứa trẻ ngây thơ như Bin có lẽ vẫn chưa hình dung được quãng đường tương lai đầy gian khó của mình khi bước vào đời với hành trang "3 không" - không cha mẹ, không giấy tờ, không học hành.
Luật quy định làm khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi thế nào?
Theo luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM), trong trường hợp này có thể xem bà Dung phát hiện trẻ bị bỏ rơi ở địa bàn phường 2, quận Phú Nhuận. Do đó, bà Dung phải ra thông báo cho UBND phường 2 hoặc Công an phường 2 (quận Phú Nhuận).
Ngay sau khi nhận được thông báo, chủ tịch UBND phường hoặc trưởng Công an phường này có trách nhiệm tổ chức lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi.
Sau khi lập biên bản, UBND phường tiến hành niêm yết tại trụ sở trong 7 ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi. Hết thời hạn niêm yết, nếu không có thông tin về cha mẹ đẻ của trẻ thì UBND phường ra thông báo cho bà Dung để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ.
Tiếp nhận thông tin về trường hợp trên từ Tuổi Trẻ, ông Trần Hữu Thiện - chủ tịch UBND phường 2, quận Phú Nhuận - cho biết sẽ xem xét hỗ trợ theo quy định đối với bà Dung trong việc làm thủ tục khai sinh cho Bin.