Mướp đắng (còn gọi là khổ qua), thuộc họ bầu bí, là loại quả có hàm lượng vitamin C đứng hàng đầu trong các loại rau, dưa, bí,… Theo Đông y, mướp đắng có vị đắng, tính hàn, công dụng thanh nhiệt, sáng mắt, giải độc, thích hợp với các chứng nhiệt sinh ra nóng, khát, làm sáng mắt, mát tim, nhuận tràng... Mướp đắng còn rất nhiều công dụng khác nữa tốt cho sức khỏe.
Mướp đắng rất quen thuộc trong các bữa cơm gia đình. Tuy nhiên, nhiều người thường phàn nàn, mình thích ăn loại quả này nhưng nếu bớt đắng sẽ ngon hơn. Có người lại vì quá đắng mà không ăn được loại quả này. Hoặc xào mướp đắng không giòn, màu cũng không còn xanh nữa.
Đầu bếp lâu năm mách, sở dĩ mướp đắng có vị đắng là do nó có chứa một chất có tên là cucurbitacin. Chỉ cần loại bỏ chất này thì vị đắng của mướp đắng có thể giảm đi.
Đầu tiên hãy cắt bỏ đầu và đuôi của quả mướp đắng. Sau đó dùng dao cắt đôi quả mướp đắng rồi dùng thìa nạo hết hạt và lõi bên trong của quả mướp đắng. Sau khi nạo xong, bạn đừng vội thái lát, nhớ cạo sạch lớp màng trắng ở thành bên trong của mướp đắng, phần lớn chất cucurbitacin trong mướp đắng nằm trong lớp màng trắng này. Bạn có thể dùng thìa khi nạo sẽ rất sạch.
Sau khi nạo sạch màng trắng, thái mướp đắng thành các lát vừa ăn. Cho những lát mướp đắng vào chậu và rắc một ít muối. Lấy tay hoặc dùng đũa đảo đều để từng lát mướp đắng ngấm đều muối. Muối ăn có thể hút hết nước đắng trong mướp đắng, đợi 10 phút trước khi xả nước.
Cuối cùng, bạn rửa lại bằng nước sạch là được.
Khi làm món ăn với mướp đắng bạn cũng có thể cho ít đường trắng vào, nếu thích ăn ớt bạn cũng có thể cho thêm ớt để loại bỏ vị đắng còn sót lại.
Người không thích ăn mướp đắng nhưng sau khi khử vị đắng đi cũng có thể ăn và thấy ngon. Tuy nhiên, trong quá trình khử đắng có ướp với muối nên mướp đã có chút mặn. Vì thế lúc nấu bạn nên nhớ giảm bớt muối nhé!